Không ít trẻ em phải mưu sinh trong giá rét từ nhỏ, ai sẽ bảo vệ các em? (Nguồn: TT) |
Chia sẻ với TG&VN, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cảm thấy rất đau lòng trước hình ảnh những đứa trẻ ở Sa Pa chỉ mới vài tuổi đã phải ra đường bán hàng rong, xin tiền du khách trong giá rét. Đây không phải hình ảnh mới mẻ mà ở đâu cũng có, không riêng gì nước ta.
“Tôi không đồng tình bởi trẻ đi lang thang kiếm sống vừa làm mất hình ảnh vừa làm mất quyền lợi của các cháu. Rõ ràng, việc để trẻ em mưu sinh lúc giá rét rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của các cháu nhỏ. Vậy trách nhiệm này đầu tiên phải thuộc về gia đình”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đồng thời, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng trăn trở để những gia đình nghèo ấy không đẩy trẻ ra đường mưu sinh giữa trời giá rét lại là vấn đề không nhỏ.
“Trách nhiệm của các cấp, chính quyền, các hội đoàn phải xắn tay vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của các cháu nhỏ. Đồng thời, phải động viên, giáo dục làm sao để gia đình hiểu được nguy cơ đến với trẻ khi lang thang kiếm sống vào lúc thời tiết quá khắc nghiệt thế này. Thứ hai, cần thực hiện các biện pháp linh hoạt, mềm dẻo theo đúng Luật trẻ em, để đưa các cháu về gia đình. Các hộ bán hàng phải dán các băng biển, khẩu hiệu không thuê mướn trẻ em làm việc. Nên chăng cần có biện pháp giáo dục gia đình, nâng cao trách nhiệm từ gia đình trong việc nuôi dạy, giáo dục, chăm sóc trẻ em”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm của gia đình, để bảo vệ trẻ em, tránh để trẻ em lang thang, ra đường, để các cháu không phải mưu sinh, kiếm sống trong lúc giá rét hay nắng như đổ lửa.
Không riêng gì Sa Pa, đâu đó ở công viên, lề đường, ở các địa điểm du lịch, ở các thành thị lớn vẫn có những đứa trẻ phải làm việc, mưu sinh từ khá sớm. Khi mà độ tuổi các cháu lẽ ra được uống sữa, được đến trường, được chăm sóc chu đáo lại phải lang thang kiếm sống, lao động trước tuổi để phụ giúp gia đình như vé số, đánh giày, bán báo, xin tiền, bán hàng rong.
Thực tế, chưa có một con số thống kê về việc trẻ em phải một mình mưu sinh ngoài đường. Khi những đứa trẻ phải tiếp cận quá sớm với công việc, va chạm với cuộc sống quá sớm, phải lam lũ kiếm tiền khi tuổi nhỏ sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro, thậm chí không lường trước được nguy cơ.
Chúng ta thường nói nhiều đến quyền trẻ em, cũng có không ít chương trình hướng đến bảo vệ trẻ em. Vậy ai sẽ bảo vệ trẻ khi bươn chải, mưu sinh ngoài đường trong giá rét? Ai bảo vệ các em khỏi những cạm bẫy có thể xảy đến bất cứ lúc nào?
Để những đứa trẻ này đến gần hơn với quyền trẻ em, để chúng không phải va chạm với cuộc sống quá sớm, để những tâm hồn non nớt không bị tổn thương và bị tác động bởi những tiêu cực có lẽ cần những giải pháp dài hơi, bền vững, cần sự chung tay của cả xã hội. Ở đó không phải cho tiền các cháu, bởi những trắc ẩn ấy vô tình lại tiếp tay cho nạn khai thác lao động trẻ em. Rất may, để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền thành phố Sa Pa đã kêu gọi du khách không cho tiền trẻ em bán hàng rong, không mua hàng.
Thiết nghĩ, những gia đình nghèo kia cần có hướng làm ăn khác, để con em mình có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn. Câu chuyện có nên cho tiền những cháu nhỏ bán hàng rong, ăn xin hay không từng nổ ra tranh cãi. Có người phản ứng bởi hành động cho tiền các cháu tưởng là giúp gia đình các cháu có một bữa ăn no, để các cháu có bộ quần áo đẹp. Thế nhưng, nạn sử dụng lao động trẻ em để bán hàng rong, xin tiền du khách vì thế lại “trăm hoa đua nở”. Do đó, thực trạng trẻ em bị lợi dụng sức lao động sẽ khó chấm dứt nếu chỉ cho “con cá” mà không trao “cần câu” như ai đó từng ví von.
Nói đúng hơn, giúp cha mẹ các cháu, cho tiền các cháu chỉ là hành động trước mắt, tạm thời, là giải pháp tình thế, là suy nghĩ tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, đó không phải biện pháp lâu dài, bền vững. Bởi lẽ, nếu mỗi ngày các cháu đem được nhiều tiền về, bán được nhiều hàng, xin được nhiều tiền thì "đều như vắt chanh", cha mẹ các cháu sẽ thấy được tiềm năng kiếm tiền từ công việc này. Và trẻ em vì vậy sẽ tiếp tục bị “khai thác”, các bậc cha mẹ nghèo sẽ lại đẩy các cháu ra đường vào hôm sau, từ năm này qua năm khác…