📞

Ai sẽ trả giá cho khủng hoảng

14:52 | 13/12/2011
Ở một mức độ nào đó, hầu hết các cuộc khủng hoảng tài chính về cơ bản là giống nhau. Đã từng có giai đoạn, các thị trường tài chính liên tục thu về mức lợi nhuận khổng lồ, cổ phiếu của các công ty tăng chóng mặt, thu nhập của các CEO thì ở mức cao “chót vót". Tuy nhiên, về thực chất, những khoản lợi nhuận này lại chưa bao giờ được điều chỉnh phù hợp theo đúng tình hình thực tế trong vòng 5 đến 10 năm, cho thấy sự phóng đại thái quá của giới đầu tư tài chính cũng như sự thiếu thận trọng và chủ quan khi đánh giá quá thấp những rủi ro kinh tế.
Người dân Hy Lạp biểu tình chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Chính phủ nước này.

Giới đầu tư tài chính đều biết, lợi nhuận thu về càng lớn đồng nghĩa với những rủi ro càng cao. Trong lịch sử kinh tế thế giới không thiếu những bài học, nhưng dường như vẫn chưa đủ "đắt", bởi trớ trêu thay, ngay cả chính những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Liên minh Châu Âu đang lặp lại sai lầm này khi "dung túng" cho khu vực tài chính dịch vụ phát triển ồ ạt bất chấp những nguy cơ rủi ro.

Bùng nổ các gói cứu trợ

Có nhiều luồng ý kiến trái chiều về nguyên nhân gây nên khủng hoảng. Nhiều người cho rằng việc Mỹ và châu Âu tung ra hàng loạt các gói cứu trợ hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua thực chất là để lấy lòng các quan chức chính phủ.

Hiển nhiên, bộ phận đầu tiên thường được đề cập tới là những người trực tiếp gây ra khủng hoảng, những người đứng đầu các tổ chức tài chính lớn, mải miết chạy theo lợi nhuận mà buông lỏng quản lý rủi ro. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với mức thu nhập cao ngất ngưởng, khủng hoảng tài chính thực ra không hề ảnh hưởng đến tầng lớp này. Theo tính toán của TS. Sanjai Bhagat - Đại học Colorado và Brian J. Bolton, Đại học Portland (Mỹ), từ năm 2000 đến 2008, thu nhập trung bình của các CEO thuộc 14 tập đoàn tài chính hàng đầu nước Mỹ là khoảng 2,5 tỷ. Đó quả là mức thu nhập đáng mơ ước, tuy nhiên nó chẳng thấm vào đâu so với mức thiệt hại mà bộ phận này gây ra cho nền kinh tế. Theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nợ trung hạn của Mỹ trên GDP đã tăng khoảng 50% (khoảng 7 nghìn tỷ USD), do tác động của cuộc khủng hoảng. Hiển nhiên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều kết quả tính toán trên sự suy giảm kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và sụt giảm chất lượng sống của người dân.

Việc các quốc gia thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" để cứu vãn cuộc khủng hoảng nợ thì đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên sẽ là tầng lớp thu nhập thấp khi những lợi ích trực tiếp của họ bị cắt giảm như bảo hiểm, y tế, phúc lợi… Tuy vậy, khoản cắt giảm cũng như muối bỏ bể so với khoản nợ công khổng lồ. Chính nghịch lý đó đã dẫn đến một loạt các cuộc đình công vừa qua tại Hy Lạp và một số nước khác.

Khi lớp trung lưu phải trả giá

Tầng lớp trung lưu, chiếm 2/3 dân số Mỹ có lẽ là bộ phận chịu nhiều tổn thương nhất từ hậu quả của suy thoái kinh tế. Điển hình là cuộc biểu tình "Chiếm Phố Wall" tại Mỹ. Vào giữa thập niên 2000, các ngân hàng đã đánh bạc bằng tiền của khách hàng với những khoản đầu tư mạo hiểm. Khi họ thua lỗ trầm trọng, Chính phủ Mỹ lại cứu trợ họ bằng tiền thuế của người dân.

Mới đây, Tổng thống Obama đã kêu gọi phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ ủng hộ việc gia hạn chương trình cắt giảm thuế và đề xuất những người giàu ở Mỹ phải nộp thuế cao hơn. Việc gia hạn các biện pháp cắt giảm thuế (sẽ hết hạn vào cuối năm nay) sẽ là một bước tiến lớn trong nền kinh tế Mỹ. Theo các nhà kinh tế cảnh báo, việc để hai chương trình này hết hạn có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ đang nỗ lực hồi phục từ suy thoái.

Ngoài ra, việc chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu và thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng, theo giới quan sát, chưa phải là cách làm khôn ngoan. Thậm chí có phần tốn kém và thiếu hiệu quả. Tuy vậy, giới phân tích cũng cho rằng, đôi khi đó lại là cách duy nhất để phá vỡ bế tắc chính trị và cũng là giải pháp cứu vãn cuối cùng. Và đó cũng giải pháp của Iceland và Hy Lạp.

Giang Ly (Theo The Korea Herald)