📞

AIPA 42: Nhất trí thể chế hóa cơ chế đối thoại giữa AIPA-ASEAN

Chung Anh 13:31 | 25/08/2021
Sáng 25/8, tiếp tục chương trình Đại hội đồng AIPA 42, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp Ủy ban Tổ chức.

Phiên họp đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến việc kết nạp quan sát viên, đưa cơ chế đối thoại AIPA-EP, đối thoại AIPA-ASEAN và Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA trở thành hoạt động chính thức trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA, thể hiện tinh thần hợp tác mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên họp từ điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình, các đại biểu Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tthông qua Chương trình nghị sự và thảo luận các Nghị quyết về Báo cáo tài chính, Nghị quyết cho phép sử dụng Quỹ đặc biệt AIPA chi trả chi phí hoạt động tại trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA và tăng lương cho cán bộ Ban Thư ký AIPA; Dự toán Ngân sách 2021 - 2022; Báo cáo Thường niên Ban Thư ký 2020 - 2021; Kết nạp quan sát viên của AIPA gồm Ukraine, Pakistan và Grudia; thảo luận về Sửa đổi Quy chế AIPA và Hướng dẫn Quy trình thủ tục đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA; Hướng dẫn và Quy trình đối thoại AIPA-ASEAN; Quy định và thủ tục Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA; Thiết lập Đối thoại AIPA-EP.

Cũng tại phiên họp Ủy ban Tổ chức, AIPA-42 đã vinh danh trao giải cống hiến xuất sắc AIPA đối với bà Kittisethabindit Cheam Yeap, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán, Chủ tịch nhóm AIPA của Quốc hội Campuchia và ông Fadli Zon, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Liên nghị viện, Hạ viện Indonesia, đóng góp vào sự phát triển của AIPA và ngoại giao nghị viện đa phương trong khu vực. Đồng thời, ghi nhận những đóng góp của Ngài Pehin Dato Awang Haji Abdul Rahman Taib với tư cách là Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ từ tháng 9/2020 đến khi kết thúc Đại hội đồng AIPA 42.

Theo Quy chế AIPA quy định tại Khoản 3 Điều 9 Chương IV, địa điểm tổ chức Đại hội đồng dựa trên cơ sở luân phiên theo bảng chữ cái tên nước của nghị viện thành viên. Theo đó, Đại hội đồng AIPA 43 sẽ được tổ chức tại Campuchia vào năm 2022.

Phiên họp đã thông qua các Nghị quyết về Báo cáo tài chính năm 2020-2021; Nghị quyết cho phép sử dụng Quỹ đặc biệt AIPA chi trả chi phí hoạt động tại trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA và tăng lương cho cán bộ Ban Thư ký AIPA; Dự toán Ngân sách 2021-2022.

Liên quan đến Nghị quyết cho phép sử dụng Quỹ đặc biệt AIPA chi trả chi phí hoạt động tại trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA và tăng lương cho cán bộ Ban Thư ký AIPA, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà chia sẻ những khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với hoạt động của Ban Thư ký AIPA, đồng thời đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả của Ban Thư ký AIPA, đảm bảo hoạt động chung của AIPA trong thời gian qua.

Vì vậy, việc được trích thêm một phần quỹ chưa sử dụng đến, vừa không gây áp lực tăng mức đóng góp của mỗi nước, vừa động viên đối với các nhân viên của Ban Thư ký AIPA, trong khi đó mức tăng lương không quá cao so với mặt bằng của nhân viên Ban Thư ký các tổ chức quốc tế tại Jakarta.

Ngoài ra, việc trả chi phí hoạt động tại trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA là yêu cầu chính đáng vì đây là chi phí hoạt động thông thường (điện, nước, dịch vụ quản lý…), cần phải chi trả không phải thảo luận. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị hội nghị thông qua Nghị quyết.

Tại phiên họp, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội các nước cũng lưu ý đến việc sử dụng Quỹ Đặc biệt của AIPA, đề nghị cần tính toán lại có các mục chi tiêu phù hợp, tiếp tục bàn về những vấn đề thiết thực để có biện pháp tiết kiệm chi tiêu.

Xem xét kết nạp các Nghị viện quan sát viên của AIPA

Tại Ủy ban Tổ chức, các Nghị viện thành viên đã thảo luận xem xét kết nạp nghị viện quan sát viên của AIPA đối với nghị viện Ukraine, Pakistan, Grudia.

Nhất trí về mặt nguyên tắc kết nạp quan sát viên mới bởi điều này quan trọng trong tăng cường hợp tác AIPA, ASEAN với các nước, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng lưu ý, thực tế AIPA hiện có 14 quan sát viên quan sát viên, tính đến trách nhiệm và nguồn lực hạn chế của các Nghị viện thành viên AIPA khi tổ chức Đại hội đồng, Ban Thư ký AIPA đề nghị xem xét tổng thể việc chấp nhận các đơn xin trở thành quan sát viên.

Việt Nam ủng hộ sự mở rộng quan hệ đối tác giữa AIPA và các nghị viện, tổ chức nghị viện khác trên thế giới, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, phải củng cố vai trò của AIPA, đáp ứng các tiêu chí kết nạp quan sát viên mà AIPA đã thông qua trước đó. Việc kết nạp quan sát viên mới của AIPA cần được cân nhắc thêm, tính đến tính hiệu quả thiết thực, ưu tiên những đối tác đang có hợp tác tích cực với ASEAN và AIPA.

Cùng quan điểm với Việt Nam, các đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới, quá trình kết nạp các quan sát viên phải đảm bảo các nghị viện hợp tác sâu sắc với AIPA và ASEAN.

Phê duyệt và thông qua các Hướng dẫn và Thủ tục của Đối thoại AIPA-ASEAN

AIPA đóng vai trò quan trọng như là một đối tác chiến lược trong việc triển khai Kế hoạch Hội nhập ASEAN. Tuy nhiên, các cơ chế đối thoại hiện có giữa lãnh đạo AIPA và ASEAN còn mang tính hình thức và hạn chế. Do đó, các nghị viện thành viên AIPA nhất trí thể chế hóa một cơ chế đối thoại có ý nghĩa và thực chất giữa AIPA và ASEAN và được tiến hành tại mỗi kỳ Đại hội đồng, hoặc theo phương thức phù hợp để thảo luận về Kế hoạch Hội nhập ASEAN. Mục tiêu của Đối thoại là thiết lập một hình thức chính thức để trao đổi thông tin, kiến thức, hiểu biết về quan hệ đối tác giữa AIPA và ASEAN, cũng như thảo luận về Kế hoạch Hội nhập ASEAN.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác giữa ASEAN và AIPA. Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu và tham vấn thêm để tìm ra cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp giữa AIPA và ASEAN, tham khảo kinh nghiệm của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức phiên họp điều trần IPU - Liên hợp quốc hàng năm, là cơ hội để các nghị sỹ thảo luận và nghe báo cáo cập nhật của đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Có thể gọi cơ chế này là họp điều trần AIPA-ASEAN.

Tại các phiên điều trần, đại diện của Ban Thư ký ASEAN đến và báo cáo các nghị sỹ AIPA cập nhật hoạt động của ASEAN và nghe các đề nghị của các Nghị sỹ AIPA. Thông thường nên chọn một chủ đề chính cho phiên họp điều trần để những ý kiến đóng góp tại thảo luận được tập trung hơn. Báo cáo phiên họp sẽ được chuyển tới Chủ tịch ASEAN và các nước thành viên ASEAN.

Tại phiên họp, các nước nhất trí thể chế hóa một cơ chế đối thoại có ý nghĩa giữa AIPA và ASEAN để thảo luận về kế hoạch và tình hình thực hiện Kế hoạch Hội nhập ASEAN và các vấn đề khác trong Đại hội đồng AIPA hoặc trên nền tảng phù hợp; ghi nhận yêu cầu của các Nghị viện thành viên AIPA giao nhiệm vụ cho Ban Thư ký AIPA thiết lập các hướng dẫn và thủ tục cho đối thoại AIPA-ASEAN.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại Lê Thu Hà dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA trở thành hoạt động chính thức trong khuôn khổ AIPA

Tại Đại hội đồng AIPA 41 được Việt Nam tổ chức trực tuyến năm 2020, các nghị sĩ trẻ AIPA đã họp không chính thức và trao đổi kinh nghiệm về các nội dung liên quan đến giới trẻ, đồng thời đã thông qua “Nghị quyết về sự tham gia của Nghị sĩ trẻ AIPA trong xây dựng cộng đồng ASEAN”.

Với sáng kiến của Việt Nam nhằm thành lập một cơ chế hội nghị Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA, góp phần thúc đẩy sự tham gia của các nghị sĩ trẻ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, Ban Thư ký AIPA đã xây dựng dự thảo Quy trình thủ tục của Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA xem xét thông qua.

Nhất trí thông qua Nghị quyết Quy định và thủ tục Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam khẳng định việc đưa vào khuôn khổ hoạt động của Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA tạo điều kiện để các nghị sỹ trẻ tham gia tích cực hơn vào các nội dung của AIPA, cũng như đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, phát biểu tại Phiên họp

Tại Ủy ban Tổ chức, Nghị viện các nước thống nhất rằng Hội nghị Nghị sĩ trẻ của AIPA là diễn đàn dành cho các nghị sĩ trẻ của các Nghị viện thành viên AIPA với các mục tiêu tạo điều kiện giao lưu, liên hệ giữa các nghĩ sỹ; trao đổi quan điểm và thảo luận sâu về các vấn đề liên quan đến thanh niên mà các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt; đồng thời tăng cường sự tham gia của các đại biểu Quốc hội trong việc đóng góp quan điểm của giới trẻ vào Chương trình nghị sự AIPA; cùng chia sẻ các phương pháp về tăng cường nhận thức cộng đồng về AIPA cho thanh niên và thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đối thoại AIPA-EP trở thành diễn đàn chính thức thường niên

Để làm sâu sắc thêm, tăng cường mở rộng mối quan hệ của Nghị viện châu Âu (EP) và AIPA, hai bên đã nhất trí tổ chức một phiên họp liên khu vực và phiên họp đã được tổ chức thành công qua hình thức trực tuyến vào ngày 22/6/2021.

Trên cơ sở thành công của phiên đối thoại đầu tiên cũng như mong muốn tiếp tục tăng cường đối thoại giữa hai bên, Ban Thư ký AIPA có sáng kiến thành lập Đối thoại thường niên liên khu vực ngoài khuôn khổ Đại hội đồng AIPA.

Đồng thuận với đa số ý kiến của các nghị viện thành viên AIPA về sáng kiến này của Ban Thư ký AIPA, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng đây là cơ hội để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa AIPA và nghị viện Quan sát viên. Nhấn mạnh, AIPA cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các nghị viện quan sát viên AIPA nhằm đạt được những kết quả hợp tác cụ thể và thiết thực hơn đối với AIPA. Các cơ chế đối thoại riêng, ngoài khuôn khổ Đại hội đồng cũng là một hình thức đưa quan hệ hợp tác giữa AIPA và EP vào chiều sâu thực chất, song hành với sự phát triển của quan hệ đối tác ASEAN-EU.

Tại Ủy ban Tổ chức, các Nghị viện thành viên AIPA một lần nữa nhắc lại Nghị viện châu Âu là một trong những nghị viện đầu tiên thiết lập quan hệ chính thức với AIPA với tư cách là quan sát viên; đánh giá cao đề xuất của Phái đoàn Nghị viện Châu Âu về việc tổ chức một cuộc họp liên khu vực thường niên cho phép đối thoại có cấu trúc hơn giữa Nghị viện châu Âu và AIPA; ghi nhận thành công Đối thoại EP-AIPA vào ngày 22/6/2021, trong đó hai vấn đề được chia sẻ và phù hợp nhất cho cả hai khu vực: Tương lai của Quan hệ Thương mại EU-ASEAN và Giảm nhẹ Tác động Tiêu cực của Đại dịch COVID-19 đã được thảo luận một cách xây dựng.

Các Nghị viện thành viên AIPA thống nhất thiết lập Đối thoại AIPA-EP thường niên như một diễn đàn chính thức để hai nhóm nghị viện thảo luận sâu sắc và mang tính xây dựng về các vấn đề chung có liên quan, đồng thời duy trì đối thoại thường niên được triệu tập trong Đại hội đồng AIPA.

Các nội dung và kết quả tại phiên họp sẽ được đưa vào Báo cáo Ủy ban Tổ chức và Thông cáo chung và sẽ được trình bày tại Phiên toàn thể thứ hai Đại hội đồng AIPA 42.