Các hội nghị liên quan bao gồm: ASEAN+1 với 10 Đối tác đối thoại (PMC), ASEAN+3 với các nước Đông Bắc Á lần thứ 17 (APT-17), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 6 (EAS FMM-6) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 23 (ARF-23).
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) tại Kuala Lumpur, Malaysia tháng 8/2015. |
Cũng trong thời gian này sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thuộc các khuôn khổ hợp tác Mekong với một số đối tác là: Sáng kiến hạ nguồn Mekong (Mekong - Hoa Kỳ) lần thứ 9, Mekong - Nhật Bản lần thứ 9, Mekong - Hàn Quốc lần thứ 6 và Hợp tác Mekong - Sông Hằng (Mekong - Ấn Độ) lần thứ 7.
Đây là các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác).
Các Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng và các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trở nên nghiêm trọng và trực diện hơn, đặc biệt là tình hình Biển Đông và hoạt động khủng bố. Tình trạng phục hồi chưa vững chắc của nền kinh tế thế giới và hệ lụy của việc nước Anh rời EU cũng có những tác động đến khu vực và ASEAN.
Trong khi đó, ASEAN tiếp tục tiến trình xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN cơ bản duy trì được các lập trường và tiếng nói chung có nguyên tắc.
Các Hội nghị lần này có chương trình nghị sự trải rộng trên mọi lĩnh vực hợp tác từ chính trị - an ninh tới kinh tế - tài chính và văn hóa xã hội. Cụ thể: Hội nghị AMM-49 sẽ bàn các vấn đề hợp tác nội khối, xây dựng Cộng đồng cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN trong đó có việc thúc đẩy triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, cải tiến bộ máy và lề lối làm việc của ASEAN…
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với từng đối tác sẽ tiến hành kiểm điểm quan hệ giữa ASEAN và các nước trong thời gian qua và phương hướng thúc đẩy quan hệ thời gian tới. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ bàn việc kiểm điểm thực hiện Kế hoạch công tác 2013-2017 và chuẩn bị xây dựng Kế hoạch công tác mới cho giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS sẽ bàn về cấu trúc khu vực đang định hình và vai trò của EAS, việc triển khai Tuyên bố kỷ niệm 10 năm thành lập EAS do các Lãnh đạo thông qua tháng 11/2015, trong đó có các biện pháp tăng cường EAS. Hội nghị ARF sẽ rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ vừa qua và thông qua danh sách các hoạt động cho năm giữa kỳ tiếp theo 2016-2017; cũng như bàn về định hướng tương lai của ARF.
Bên cạnh các vấn đề trên, các Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, tình hình Bán đảo Triều Tiên, khủng bố và bạo lực cực đoan, nạn buôn bán người, di cư bất thường…
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, kể cả đóng vai trò nòng cốt trong một số vấn đề lớn của Hiệp hội; kiên trì lập trường nguyên tắc, linh hoạt và khéo léo xử lý những vấn đề phức tạp trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận ASEAN và phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục đóng góp vào tăng cường hợp tác, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ thực chất giữa ASEAN với các đối tác và nâng cao hiệu quả của các diễn đàn khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Cũng nhân dịp này, với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam sẽ đồng chủ trì điều phối Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Ấn Độ, nhằm thúc đẩy thông qua Danh mục các lĩnh vực ưu tiên thực hiện kế hoạch Hành động ASEAN - Ấn Độ trong các năm 2016-2018; thống nhất danh mục các hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ vào 2017.