📞

Ấn Độ đề cao vai trò kết nối của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

14:23 | 09/06/2018
Ngày 9/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã rời New Delhi tới Thanh Đảo (Trung Quốc) dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18.

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO với tư cách là thành viên đầy đủ của tổ chức này. Dự kiến, tại Thanh Đảo, Thủ tướng Modi sẽ có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một số nhà lãnh đạo khác tham dự hội nghị.

Phát biểu trước thềm chuyến đi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ vui mừng được dẫn đầu đoàn đại biểu Ấn Độ lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO với tư cách thành viên đầy đủ, khẳng định hội nghị sẽ là sự khởi đầu mới cho hợp tác giữa Ấn Độ với khối Á - Âu này. Theo ông, kể từ khi Ấn Độ trở thành thành viên đầy đủ của SCO, tương tác giữa New Delhi với tổ chức này, cũng như những nước thành viên đã phát triển nhanh chóng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2018. (Nguồn: IISS)

Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi còn cho rằng hội nghị ở Thanh Đảo sẽ làm phong phú hơn nữa chương trình nghị sự của SCO, từ cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan tới thúc đẩy hợp tác về kết nối, thương mại, hải quan, luật pháp, y tế và nông nghiệp; bảo vệ môi trường và giảm nhẹ rủi ro thảm họa; và thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân các nước.

SCO là một tổ chức quốc tế liên chính phủ thường trực, tập trung vào tăng cường lòng tin song phương giữa các nước thành viên và thúc đẩy hợp tác hiệu quả về chính sách, thương mại, kinh tế, nghiên cứu, công nghệ và văn hóa. SCO cũng có những nỗ lực chung để duy trì và đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Thành lập năm 2001, hiện SCO có 8 thành viên gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan.

Ấn Độ cùng với Pakistan trở thành thành viên đầy đủ của SCO trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Astana (Kazakhstan) hồi tháng 6/2017.

Tham gia hoạt động của SCO còn có 4 nước quan sát viên là Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ và 6 nước đối tác đối thoại gồm Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.

(theo Economic Times)