📞

Ấn độ dè chừng tiếp cận thương mại tự do là điều không cần thiết?

Việt An 21:20 | 24/09/2022
Thời gian tới, để đạt được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, Ấn Độ cần phải khai thác sâu hơn các thị trường toàn cầu, nghĩa là cần chắc chắn về vấn đề mở cửa thương mại.
Ấn Độ đang dè chừng tiếp cận thương mại tự do? Ảnh minh họa. (Nguồn: India Inc Group)

Tháng 11/2019, Ấn Độ đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại khổng lồ quốc gia này đã theo đuổi trong 8 năm.

Tuy nhiên gần đây, Ấn Độ đã thay đổi ý định khi tìm cách thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Australia, Canada, các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Vì sao Ấn Độ rút khỏi RCEP?

Đánh giá về nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng, Ấn Độ rút khỏi RCEP chủ yếu do lo ngại về Trung Quốc. Tuy nhiên, thương mại Ấn-Trung vẫn duy trì phát triển trong ba năm qua và vượt mốc 125 tỷ USD vào năm 2021.

Từ tháng 4-8/2022, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ. Bên cạnh đó, một yếu tố khác được bàn đến là New Delhi lo ngại thâm hụt thương mại với các nước ASEAN cũng như Trung Quốc.

Trên thực tế, điều này có thể thay đổi được. Trong số 15 nước thành viên của RCEP, Ấn Độ đã có FTA với 12 nước và đang trong tiến trình thỏa thuận với thành viên thứ 13 là Australia. Vì vậy, vấn đề thâm hụt thương mại có thể được giải quyết nhờ thặng dư thương mại song phương với các nước đối tác.

Mặt khác, đầu tư có thể là một khía cạnh quan trọng của RCEP mà Ấn Độ đã bỏ sót. RCEP tham vọng định vị toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng trong lãnh thổ thương mại tự do.

Do đó, các nhà đầu tư tương lai sẽ phải suy nghĩ kĩ hơn về việc đặt một phần giá trị cung ứng vào một đất nước không thuộc RCEP như Ấn Độ, bởi làm vậy có thể sẽ cản trở tính liền mạch xuyên biên giới của các yếu tố cấu thành chuỗi.

Ngoài ra, nếu phải tìm một điểm đầu tư mới nhằm đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc, các công ty phương Tây có xu hướng bị thu hút bởi các nước RCEP và thành công của Việt Nam là một minh chứng.

Điều này đặt ra quan điểm có thể New Delhi đã bỏ lỡ mất cơ hội đầu tư tiềm năng chỉ để bảo vệ đất nước khỏi thâm hụt thương mại, điều vốn có thể điều chỉnh được mà không cần rút khỏi hiệp định.

Cần chắc chắn về vấn đề mở cửa thương mại

Trong khi, RCEP đã thể hiện rõ được lợi ích tự do thương mại những năm qua, bao gồm mở cửa biên giới và giảm thuế quan, cam kết mở cửa của Ấn Độ vẫn chưa rõ ràng. Một số quyết định gần đây là điển hình cho thấy sự miễn cưỡng của quốc gia này đối với thương mại tự do hoàn toàn.

Thứ nhất, tháng 5/2022, trong khi được kỳ vọng xuất khẩu kỷ lục 10 tấn lúa mì, chính phủ Ấn Độ đột ngột thông báo cấm xuất khẩu mặt hàng này, khoảng 6 tuần sau khi khẳng định với thế giới rằng, nước này sẽ là một nhà cung cấp đáng tin cậy và đứng ra giải quyết vấn đề thiếu hụt lúa mì do xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Lệnh cấm này đã khiến giá lúa mì ở Chicago tăng 6% và khiến các nước nhập khẩu thất vọng.

Thứ hai, ngay sau lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, New Delhi tiếp tục cấm xuất khẩu đường. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới với mức tăng 14% trong năm 2021 và được mong đợi sẽ sản xuất kỷ lục 35,5 tấn đường trong năm 2022.

Thứ ba, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cảnh báo các nhà sản xuất ô tô không được “ép buộc” các nhà cung cấp linh kiện nhập khẩu. Ngành công nghiệp ô tô của nước này đã phát triển vượt xa mong đợi, là ngành xuất khẩu ròng và đạt kỷ lục xuất khẩu trị giá 19 tỷ USD năm 2021.

Có lẽ, vấn đề “đốc thúc” các nhà sản xuất ô tô bản địa hóa linh kiện nên được định đoạt tự do dựa trên các cân nhắc thị trường.

Thứ tư, đầu tháng 9/2022, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong số 13 nước thành viên quyết định rút khỏi trụ cột thương mại của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF). Sự lưỡng lự của quốc gia này đến từ lo ngại về thương mại kỹ thuật số, các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, và mua sắm công.

Mỗi vấn đề này đều rất phức tạp nhưng chắc chắn một điều rằng khả năng cạnh tranh của New Delhi trong thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn về lao động hoặc bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, Ấn Độ đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc hài hòa các chính sách trong nước với các thông lệ quản lý toàn cầu tốt nhất trong các cuộc đàm phán về FTA với EU. Vì vậy, nước này không cần phải quá để tâm khi ký kết những điều kiện được cho là không liên quan đến thương mại.

Thời gian tới, địa chính trị và địa kinh tế sẽ ngày càng gắn kết với nhau. Vì vậy, cam kết mở cửa và tự do thương mại của Ấn Độ sẽ được thử nghiệm. Các điều chỉnh thuế quan thường xuyên để bảo vệ các lợi ích được ưu đãi trong nước và các lệnh cấm thương mại định kỳ nên được hủy bỏ, thay vào đó nên xây dựng cơ cấu thuế quan vừa phải và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Để đạt được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, New Delhi cần phải khai thác sâu hơn các thị trường toàn cầu, nghĩa là cần chắc chắn về vấn đề mở cửa thương mại.