Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại G20 tổ chức tại Ấn Độ. (Nguồn: Politico) |
Hiện nay, đồng Rupee của Ấn Độ không phải là loại tiền tệ mạnh và số tiền Rupee thu được từ việc bán dầu của Nga bị kẹt ở Ấn Độ đang ở mức khá cao.
Để giải quyết tình trạng này, các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ dự kiến sẽ đóng các tàu chở hàng rời và tàu chở sản phẩm hóa chất cho Nga cho đến năm 2027. Được biết, chi phí đóng tàu ở Ấn Độ trung bình rẻ hơn một nửa so với ở Nga. Phía Nga đảm bảo các xưởng đóng tàu của nước này sẽ không thiệt hại vì vẫn hoạt động hết công suất nhờ các đơn hàng quốc phòng và dân sự.
Trước đó, việc chuyển sang thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được thảo luận với Ấn Độ nhưng phía Ấn Độ vẫn đang xem xét khả năng này. New Delhi và Bắc Kinh hiện chưa có được quan hệ tốt nhất dù cả hai đều là thành viên BRICS.
Nga đang bán hàng trăm triệu thùng dầu thô cho Ấn Độ - nhưng thay vì dùng đô la Mỹ và euro, Điện Kremlin cần phải bù đắp cho ngân sách của mình, họ lại kiếm được hàng "núi" rupee khiến việc chi tiêu trở nên khó khăn.
Theo số liệu thống kê được thu thập bởi công ty phân tích Kpler, tính đến hết năm 2022, Ấn Độ đã mua hơn nửa tỷ thùng dầu thô, tăng gần gấp 10 lần kể từ năm 2021, một năm trước xung đột nổ ra tại Ukraine. Kết quả là, mỗi tháng có khoảng 1 tỷ rupee đổ vào kho bạc của Moscow.
Tại G20 ở New Delhi, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận tình thế tiến thoái lưỡng nan của Moscow. Ông nói trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi: “Chúng tôi đã tích lũy được hàng tỷ rupee mà chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách sử dụng”.