📞

Ấn Độ: Nhiều trẻ em ở New Delhi nhập viện do ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Kha Ninh 07:07 | 12/11/2023
Các khoa cấp cứu và hô hấp của nhiều bệnh viện New Delhi trở nên chật kín giường bệnh do tình trạng ô nhiễm không khí ở siêu đô thị này lên đến mức đỉnh điểm.

Những ngày qua, thủ đô New Delhi của Ấn Độ luôn ở trong tình trạng chất lượng không khí xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngày 10/11, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của thành phố ghi nhận ở mức 440. (Nguồn: AFP)

Vào thời điểm này, nhiều bệnh viện nhi tại New Delhi đang rơi vào tình trạng quá tải do số trẻ nhập viện tăng cao. Trong ảnh: Em bé một tháng tuổi dùng máy phun khí dung tại phòng cấp cứu của bệnh viện nhi Chacha Nehru Bal Chikitsalaya. (Nguồn: AFP)

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lung Ấn Độ vào năm 2021 cho thấy, gần 1/3 học sinh ở New Delhi mắc bệnh hen suyễn và tắc nghẽn. Số bệnh nhi tăng đột biến khi ô nhiễm không khí lên đến đỉnh điểm vào mỗi mùa Đông ở siêu đô thị 30 triệu dân này. Không khí lạnh giữ lại các chất gây ô nhiễm bắt nguồn từ các phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, bụi xây dựng và đốt rác thải nông nghiệp. (Nguồn: AFP)

Trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn người lớn vì trẻ thở nhanh hơn trong khi não, phổi và các cơ quan khác chưa phát triển đầy đủ. Phòng cấp cứu của các bệnh viện ở thành phố này luôn trong tình trạng chật cứng do các bệnh nhi nhập viện với triệu chứng khó thở, nhiều em mắc bệnh hen suyễn và viêm phổi. (Nguồn: AFP)

Tiến sĩ Dhulika Shingra, bác sĩ chuyên khoa phổi nhi, cho biết: "Phòng cấp cứu của bệnh viện chúng tôi những ngày này rất bận rộn. Bệnh nhi đông, nhiều khi không còn chỗ mà đứng. Thời điểm này khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ". (Nguồn: AFP)

Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Một báo cáo của UNICEF cho biết bằng chứng khoa học cho thấy trẻ em thở không khí ô nhiễm nhiễm nguy cơ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cao hơn. (Nguồn: AFP)

Chính quyền thủ đô New Delhi đã phải tuyên bố đóng cửa trường học khẩn cấp và cấm các phương tiện tiện ích chạy bằng động cơ diesel vào thành phố nhằm giảm mức độ ô nhiễm. (Nguồn: AFP)

Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy 1,67 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí ở quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2019. (Nguồn: AFP)

Một phụ huynh có con nhập viện chia sẻ: "Con tôi bị ho, người khó chịu, quấy khóc liên miên, uống sữa thì nôn trớ. Không phải chỉ trẻ con mới gặp phải những vấn đề như vậy đâu, ngay cả người lớn cũng bị ngứa họng, nhức mắt vì ô nhiễm không khí". (Nguồn: AFP)

Các bác sĩ cũng ghi nhận sự gia tăng các bệnh về da. Ngoài ra, một phân tích từ 25 nghiên cứu trên tạp chí Down To Earth cũng cho thấy chất lượng không khí kém có thể dẫn đến sinh non, chậm phát triển, chậm tăng trưởng ở trẻ em và thậm chí tử vong. (Nguồn: AFP)
Các bác sĩ trong thành phố cho biết đang nhận thấy ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên người dân khi số bệnh nhân gặp vấn đề hô hấp tăng lên, bên cạnh các triệu chứng như ho, lạnh, đau mắt, khó thở. (Nguồn: AFP)

New Delhi thường xuyên nằm trong danh sách trong số các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Dữ liệu từ chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, vào ngày 9/11, mức độ hạt PM2.5, loại nhỏ nhất và có hại nhất, có thể xâm nhập vào máu, lên tới 390 microgam/m3, cao hơn 25 lần mức tối đa hàng ngày được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. (Nguồn: AFP)

Loại bụi mịn này, có kích thước nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc, có thể đi vào mạch máu thông qua phổi nếu tiếp xúc lâu dài, và đã được liên kết với bệnh tim mãn tính và các bệnh hô hấp. Khói bụi được thổi sang từ các bang lân cận đã khiến bầu trời trong tình trạng xám xịt, hạn chế tầm nhìn và người dân ra đường phải đeo khẩu trang. (Nguồn: AFP)

(theo Al Jazeera)