📞

Ấn Độ: Phá rào và tiến bước

19:54 | 23/10/2008
Không để mất nhiều thời gian, chỉ chưa đầy hai tuần sau khi Hiệp định hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn được thông qua - sự kiện được coi như chìa khóa làm vô hiệu hóa cánh cửa cấm buôn bán hạt nhân với bên ngoài mà New Delhi chịu đựng từ ba thập kỷ nay - Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thử nghiệm chiếc chìa này lần đầu tiên với Nhật Bản, nền kinh tế và công nghệ đứng đầu khu vực.

Một hiệp định thương mại tự do sớm, sẽ mang lại lợi ích cho cả Ấn Độ - đất nước đông dân thứ hai thế giới và Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, nếu biết rằng một trong những lĩnh vực hợp tác mà Ấn Độ chú trọng là phát triển năng lượng hạt nhân thì mới thấy đây là bước đi mang tính chiến lược đã được chuẩn bị từ lâu của New Delhi.

 

Đèn xanh đã sáng

 

Một trong những phát biểu được Thủ tướng Singh nhấn mạnh trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo xứ Phù Tang rằng “New Delhi hoan nghênh việc Nhật Bản đầu tư vào thị trường năng lượng nguyên tử của Ấn Độ”. Ông Singh cũng bày tỏ nhân chuyến đi này muốn thăm dò và gợi ý Nhật Bản đầu tư vào Ấn Độ.

 

Là quốc gia duy nhất trên thế giới là nạn nhân của bom nguyên tử, Nhật Bản từng chỉ trích mạnh mẽ các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ vào năm 1998 và sau đó còn áp dụng các biện pháp hạn chế quan hệ về kinh tế. Song gần đây, Tokyo đã chuyển hướng và coi Ấn Độ như một “ngoại lệ” để không bị chậm chân trong việc chiếm lĩnh thị trường năng lượng nguyên tử đầy tiềm năng là Ấn Độ, với doanh thu dự tính đạt 27 tỷ USD trong 15 năm tới.

 

Một trong những bằng chứng là Nhật Bản đã ủng hộ Ấn Độ trong nhóm Các nước cung cấp hạt nhân (NSG) trong lộ trình tiến tới Hiệp định hạt nhân dân sự với Mỹ vừa qua. Tuy nhiên, Tokyo lúc đó vẫn quan ngại việc New Delhi vẫn chưa ký Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT). Giờ đây, khi Mỹ đã thông qua Hiệp định hạt nhân dân sự với Ấn Độ, Tokyo có thêm “cớ” để bảo vệ một sự hợp tác với đối tác đầy tiềm năng này trong lĩnh vực mà ít nhiều Nhật Bản cũng có thế mạnh.

 

Lợi cả đôi đường như vậy, nên không riêng gì Ấn Độ, mà cả Nhật Bản cũng mong muốn hợp tác về công nghệ hạt nhân cho mục đích dân sự. Hiện đang có nhiều thông tin về việc hai công ty của Nhật Bản là Hitachi và Westinghouse Electric, một công ty con của Tập đoàn Toshiba, đang cạnh tranh với Tập đoàn GE của Mỹ và Tập đoàn Areva của Pháp, nhằm giành được hợp đồng công nghệ hạt nhân với Ấn Độ.

 

Còn nhớ, mới vào giữa năm nay, hai nước vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về hiệp định song phương. Đàm phán giữa hai nước bị đình trệ do bất đồng về mức giảm thuế đối với hàng hóa của 2 nước cũng như chính sách của Nhật Bản đối với dược phẩm Ấn Độ. Tuy nhiên, trong chuyến thăm lần này, mọi việc có vẻ khả quan hơn trong chuyến thăm này, nhờ một trong những cú hích quan trọng là chính sách biết “dỡ rào” của New Delhi một cách đúng lúc.

 

Tại sao là Nhật Bản?

 

Chọn Nhật Bản là chặng dừng chân trước khi tới Trung Quốc tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 7, Thủ tướng Ấn Độ muốn khẳng định sự quan tâm đặc biệt của mình đối với với Tokyo. Ngay trước chuyến thăm, Quốc vụ khanh ngoại giao Ấn Độ, ông Shiv Shankar Menon, tuyên bố Nhật Bản và Ấn Độ là 2 đối tác chiến lược về các vấn đề toàn cầu. Còn Thủ tướng Singh cho rằng, quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản tốt đẹp sẽ đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Á đang hình thành.

 

Về lịch sử, Ấn Độ là nước nhận viện trợ phát triển nhiều nhất từ Nhật Bản. Hiện Tokyo đang có kế hoạch dự tính sẽ tài trợ cho việc mở một hành lang vận chuyển hàng giữa thủ đô New Delhi và thành phố Mumbai. Theo đó, Nhật Bản tài trợ tuyến đường xe lửa gần 1.500km nối New Dehli với Mumbai. Báo chí Nhật Bản thống kê khoản tín dụng này lên tớI 4,5 tỷ USD, mức kỷ lục về số tiền từ trước tới nay Nhật Bản dành cho các dự án ở nước ngoài. Không chỉ có vậy, một quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ được các nhà phân tích chính trị cho là giúp cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

 

Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch thương mại giữa nước này và Ấn Độ năm 2007 chỉ đạt 1,21 nghìn tỷ Yen (khoảng 11,8 tỷ USD), chỉ khoảng hơn 4% kim ngạch thương mại với Trung Quốc. Nhật Bản cũng không giấu giếm tham vọng để các công ty tài chính và các tập đoàn ôtô của mình tăng cường sự có mặt tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này, một khi hiệp định tự do thương mại song phương có hiệu lực.

 

Vương An