Nhỏ Bình thường Lớn

Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò tới sao Hỏa

Ấn Độ đã có được thành công lịch sử trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ với việc đưa thành công phi thuyền thăm dò lên quỹ đạo Sao Hỏa. Chương trình nghiên cứu Sao Hỏa của Ấn Độ còn có thể coi là kỷ lục bởi giá thành rẻ và nhanh.
1. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ các nhà khoa học tại Bangalore ngày 24/09/2014.

Tàu thăm dò mang tên Mars Orbiter Mission (MOM) rời bệ phóng hôm 05/11/2013, vào lúc 8h02 phút, giờ địa phương (02h32 giờ GMT), ngày hôm qua 24/9, phi thuyền đã tới được quỹ đạo của Sao Hỏa.

Từ trụ sở của chương trình nghiên cứu không gian tại Bangalor, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vui mừng tuyên bố: “Ấn Độ đã thành công tới được Sao Hỏa. Xin chúc mừng tất cả mọi người trên cả nước”.

Điều đáng chú ý là phi thuyền thăm dò Sao Hỏa của Ấn Độ đã được thiết kế trong thời gian ngắn kỷ lục cùng với chi phí ít nhất. Giờ đây Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa thiết bị thăm dò lên gần Sao Hỏa. Trên thế giới, trước Ấn Độ mới chỉ có Hoa Kỳ, Nga và châu Âu thành công trong lĩnh vực này.

Với ngân sách 74 triệu đô la, chương trình Sao Hỏa của Ấn Độ chi phí thấp hơn dự án thăm dò Sao Hỏa MAVEN của Mỹ rất nhiều lần. Ngoài ra thời gian thiết kế thiết bị cũng rút ngắn kỷ lục với thời gian ba năm.

Lãnh đạo Ấn Độ còn đưa ra so sánh thú vị là chương trình lên Sao Hỏa của Ấn Độ còn rẻ hơn cả dự án làm bộ phim khoa học viễn tưởng Gravity của các nhà làm phim Hollywood có giá thành 100 triệu đô la.

Phi thuyền thăm dò của Ấn Độ được trang bị các thiết bị đo lượng khí mê-tan trong bầu khí quyển quanh Sao Hỏa, một thành phần chủ yếu để xác định giả thuyết có sự sống trên hành tinh đỏ. Tàu thăm dò này trong vòng 6 tháng sẽ bay trên quỹ đạo cách bề mặt Sao Hỏa 500 km.

Robot mang tên Curiosity của Cơ quan không gian Mỹ NASA tới bề mặt Sao Hỏa hồi năm 2012 nhưng không phát hiện được dấu vết khí mê-tan.

Hiện nay đã nhiều nước có chương trình không gian hướng tới Sao Hỏa nhưng cũng không ít nước thất bại, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc. Từ khi bắt đầu chương trình nghiên cứu không gian cách đây 50 năm, Ấn Độ đã từng phóng 40 vệ tinh cho nhiều nước khác.

M.H (theo Reuters)