📞

Ấn Độ sẽ tung vũ khí mới ở biên giới với Trung Quốc và Pakistan, Bắc Kinh ra tuyên bố tỏ lòng cùng New Delhi

Hà Thu 07:48 | 02/03/2023
Hãng thông tấn ANI ngày 1/3 đưa tin, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chấp nhận đề xuất của Lục quân nước này về việc mua 307 khẩu lựu pháo ATAGS để triển khai dọc biên giới với Trung Quốc và Pakistan.
Pháo ATAGS là một loại lựu pháo kéo cỡ nòng 155 mm/52 đang được phát triển cho quân đội Ấn Độ. (Nguồn: Wikipedia)

Động thái này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới mục tiêu “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) trong lĩnh vực quốc phòng.

Đây sẽ là đơn đặt hàng đầu tiên cho lựu pháo nội địa - có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 50 km và được coi là tốt nhất trong số các vũ khí cùng loại.

Pháo ATAGS đã được thử nghiệm ở nhiều độ cao và địa hình khác nhau, đồng thời được nâng cấp dựa trên đề xuất của người dùng.

ATAGS là một dự án hệ thống pháo kéo nội địa do Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) đảm nhận trong một phần của chương trình hiện đại hóa pháo binh cho Quân đội Ấn Độ, có sự cộng tác của 2 đối tác là Tata Advanced Systems Ltd và Bharat Forge Ltd.

Trong một diễn biến khác, trước thềm cuộc gặp dự kiến giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và người đồng cấp Ấn Độ S Jaishankar tại New Delhi vào ngày 2/3, Bắc Kinh khẳng định “coi trọng” các mối quan hệ của mình với quốc gia láng giềng tỷ dân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Cả hai nước là những nền văn minh cổ đại và đều có hơn một tỷ dân. Chúng tôi là láng giềng và đều là những nền kinh tế mới nổi. Mối quan hệ song phương lành mạnh đáp ứng lợi ích cơ bản của cả hai quốc gia và người dân hai nước”.

Chuyến thăm tới Ấn Độ này là lần đầu tiên ông Tần Cương thực hiện trên cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc và gặp người đồng cấp nước chủ nhà Jaishankar.

Cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đạt được tiến bộ trong 17 vòng đàm phán quân sự cấp cao nhằm giải quyết tình trạng bế tắc ở Đông Ladakh.

Bình luận về chuyến thăm của Ngoại trưởng Tần Cương, người đứng đầu Viện Nghiên cứu khu vực Nam và Trung Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải Vương Đức Hoa nhận định: “Đây là một động thái quan trọng đối với quan hệ song phương".

Theo chuyên gia này, mặc dù không thể sớm thấy một bước đột phá trong tranh chấp biên giới giữa hai nước, nhưng "ít nhất nó sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ bị tổn hại và ổn định tình hình gần các khu vực tranh chấp”.

(theo ANI, India Times)