📞

Ấn Độ tăng cường khả năng răn đe, tuyên bố thử thành công tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân

Bảo Hà 14:19 | 16/06/2022
Gần 10 ngày sau khi tiến hành thử tên lửa Agni có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, ngày 15/6, Ấn Độ lại tiến hành một vụ thử tiếp theo đối với tên lửa Prithvi cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Ấn Độ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi-II vào ngày 15/6. (Nguồn: Hindustan Times)

Trong một tuyên bố, chính phủ Ấn Độ nêu rõ: “Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi-II, được tiến hành lúc 19h30 ngày 15/6 từ bãi thử tích hợp ở Chandipur, bang Odisha, đã thành công".

Vụ phóng đã xác nhận thành công tất cả các thông số hoạt động và kỹ thuật của tên lửa.

Tên lửa Prithvi-II là hệ thống đã được kiểm chứng và có khả năng tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao. Đây là loại tên lửa đất đối đất nội địa, có tầm bắn khoảng 250 km và có khả năng mang trọng tải 1 tấn.

Trước đó, ngày 6/6, New Delhi đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-IV có tầm bắn tới 4.000 km. Chính phủ cho biết, vụ phóng thử “đã tái khẳng định chính sách của Ấn Độ trong việc có được khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy”.

Ngày 10/6, các quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên tiết lộ, New Delhi đang phát triển 2 phiên bản tiên tiến của tên lửa không đối không Astra, một trong số đó có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 160 km khi sẵn sàng, phiên bản còn lại có tầm bắn 300 km.

Các tên lửa Astra Mk-2 và Mk-3 nhiều khả năng được thử nghiệm lần lượt vào các năm 2023 và 2024. Kế hoạch này nằm trong các chương trình chủ chốt đang diễn ra của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Bộ Quốc phòng quốc gia Nam Á đã ký hợp đồng trị giá hơn 380 triệu USD với công ty Bharat Dynamics Ltd (BDL) để trang bị các tên lửa Astra Mk-1 (có tầm bắn khoảng 100 km) cùng các thiết bị liên quan cho không quân và hải quân nước này.

Đây được coi là một phần của chiến lược “Ấn Độ tự cường” trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng.

Theo Nguyên soái không quân Anil Chopra - Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu không lực Ấn Độ - “không chiến trong tương lai sẽ là việc phát hiện và tấn công các mục tiêu ở cự ly xa nhất có thể. Đó sẽ là kết quả của nỗ lực tăng phạm vi phát hiện mục tiêu cho radar và sự ra đời của các tên lửa tầm xa hơn".

(theo DNA India)