Ảnh minh họa. |
Trong những năm qua, Ấn Độ được xem là nước có nền công nghệ thông tin cơ bản, việc ứng dụng công nghệ thông tin phát triển tương đối nhanh và điều này có thể được coi là một trong những nền tảng để những nhà lãnh đạo ngành ngoại giao nước này thúc đẩy nền ngoại giao kỹ thuật số.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã lập ra hẳn một bộ phận phụ trách thúc đẩy ngoại giao kỹ thuật số và thực thi nhiều sáng kiến. Bên cạnh đó, các công ty mạnh nhất về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cùng các kỹ sư trẻ năng động, nhiệt huyết cũng được huy động để hỗ trợ cho việc phát triển ngoại giao kỹ thuật số ở Ấn Độ.
Ngành ngoại giao Ấn Độ đang đẩy mạnh việc sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube và các mạng truyền thông xã hội khác để phục vụ cho công việc với trọng tâm là duy trì mối liên hệ thường xuyên với thế giới. Ngày 8/7/2010, Vụ Ngoại giao công chúng đã tạo lập tài khoản chính thức trên Twitter rồi sau đó là Facebook, YouTube, Scribd, Issuu…
Bước đi tiên phong này của Vụ Ngoại giao công chúng sau đó đã giúp cho các đơn vị khác của Bộ cũng như các cơ quan đại diện ở nước ngoài tự tin hơn đối với ngoại giao kỹ thuật số. Nhiều đơn vị trong số đó đã mở tài khoản trên Facebook.
Tính ứng dụng cao
Một số lĩnh vực công tác chủ yếu của ngành ngoại giao Ấn Độ cũng đã được lên kế hoạch để ứng dụng ngoại giao kỹ thuật số. Chẳng hạn, trong công tác lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã khởi động một ứng dụng điện thoại thông minh giúp người dùng truy cập thông tin về tình trạng hộ chiếu cũng như một số thủ tục liên quan đến lãnh sự khác. Các ứng dụng MeaIndia, có sẵn để tải về miễn phí trên Apple và cửa hàng Android, là minh chứng cho thấy Ấn Độ muốn theo kịp tiến bộ về công nghệ thông tin ứng dụng cho hoạt động của ngành mình. Các ứng dụng này được phát triển bởi một nhóm các chuyên gia kỹ thuật trẻ dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao.
Không chỉ có vậy, nằm trong nỗ lực đẩy mạnh kỹ thuật số trong nội bộ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ gần đây còn lập diễn đàn cho phép các nhà ngoại giao nước này tham gia các cuộc thảo luận tự do nhưng được bảo mật nội bộ để đưa ra các ý kiến có giá trị tham khảo về các vấn đề chính sách đối ngoại.
Bên cạnh đó, các tạp chí của ngành như India Perspectives, ấn phẩm hàng đầu của Bộ được in với 14 ngôn ngữ nước ngoài và lưu hành trong cơ quan đại diện, cũng có một phiên bản kỹ thuật số, cho phép độc giả truy cập ở bất cứ đâu. Ý tưởng lớn hơn sẽ là cung cấp các ấn phẩm ngoài thư viện và dễ dàng truy cập từ các ipad, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh… của người dùng quan tâm.
Ấn Độ cũng lên kế hoạch xây dựng một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số của các hiệp ước và hiệp định mà nước này đã ký kết với các nước khác từ trước đến nay. Bộ phận pháp chế và các điều ước của Bộ đã chuẩn bị sẵn sàng một cơ sở dữ liệu cung cấp các thông tin chi tiết theo kế hoạch này.
Không ngừng đổi mới
Trong một cuộc phỏng vấn với The Interpreter thuộc Viện Lowy của Australia năm 2011, ông Navdeep Suri, Thư ký phụ trách bộ phận ngoại giao công chúng trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ, chuyên theo dõi mảng thúc đẩy ngoại giao kỹ thuật số cho biết nền ngoại giao Ấn Độ đã bước vào không gian số khi mở tài khoản trên mạng xã hội Twitter, Facebook và một kênh trên YouTube, cũng như bắt đầu sử dụng các trang web xuất bản trực tuyến như Scribd và Issuu cho một số ấn phẩm của Bộ Ngoại giao.
Ông Navdeep Suri cho rằng, kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội Twitter trong việc sơ tán công dân từ Libya là một chứng minh rất cụ thể cho ưu thế của ngoại giao kỹ thuật số. “Chúng tôi sử dụng nó để đưa ra thông tin kịp thời về kế hoạch sơ tán, đồng thời nhận thông tin quý báu về các yêu cầu của các công dân của chúng tôi ở các địa điểm xa xôi của Libya, nơi mà các nhân viên ngoại giao khó mà nắm bắt hết được nhu cầu và nguyện vọng của công dân. Qua chiến dịch này, nhiều người đã đánh giá cao nỗ lực mà chúng tôi đã làm trong sử dụng phương tiện truyền thông mới”.
Trên Facebook, Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng một câu chuyện về sức mạnh mềm và qua đó tạo ra các cộng đồng những người bạn của Ấn Độ từ khắp thế giới. “Chúng tôi đã có thông tin phản hồi ban đầu đáng chú ý trên trang ITEC của chúng tôi trên Facebook trong đó tập hợp những cá nhân đã đến Ấn Độ theo chương trình hợp tác kỹ thuật và kinh tế”, ông Navdeep Suri cho biết.
Ấn Độ cũng khuyến khích các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài thiết lập sự hiện diện của mình trên Facebook. Ông Navideep Suri cảm thấy phấn khích khi rất nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là một số nhà ngoại giao trẻ tuổi đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. “Nếu chúng ta có thể thỏa sức sáng tạo và đổi mới, nỗ lực ngoại giao của chúng tôi sẽ đi đến những thành công mới ngoài dự tính. Đó là tương lai của ngoại giao kỹ thuật số và tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ là một phần khá quan trọng của nó”, ông khẳng định.
PHƯƠNG HOA