Các viên kim cương mà Ấn Độ và Nam Phi muốn đòi lại hiện được gắn trên các bảo bối của Hoàng gia Anh. (Nguồn: The Royal Collection Trust) |
Trước Lễ đăng quang của Vua Charles III ngày 6/5, cung điện Buckingham đã thông báo Hoàng hậu Camilla sẽ không đội chiếc vương miện có gắn viên kim cương thuộc hàng khủng nhất thế giới, có tên là Kohinoor, như các hoàng hậu của nước Anh vẫn thường đội trong các lễ đăng quang trước đây.
Thông tin này từ điện Buckingham được nhiều người, đặc biệt là từ Ấn Độ và Nam Phi ca ngợi là một cử chỉ ngoại giao và thiện chí nhằm tránh leo thang tranh cãi về nguồn gốc và việc sở hữu các viên kim cương có một không hai trên thế gian này.
Trước đó, kể từ khi độc lập năm 1947, chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu các nỗ lực nhằm đòi lại các viên kim cương được chế tác từ viên Cullinan nặng nhất thế giới, trong đó có viên kim cương nặng trên 300 carat gắn trên vương trượng mà các vị Vua của Vương quốc Anh vẫn sử dụng trong các lễ đăng quang.
Gợi lại ký ức thời thuộc địa
Viên kim cương Kohinoor là một trong những viên đá quý thuộc hàng lớn nhất thế giới, nặng tới 105 carat vốn được một vị vua mới 11 tuổi của người Sikh cai quản Công ty Đông Ấn khi đó là Maharaja Duleep Singh "tặng" cho Nữ hoàng Anh Victoria vào năm 1849.
Sau khi độc lập năm 1947, chính quyền Ấn Độ đã bắt đầu các nỗ lực đòi lại viên kim cương này nhưng chưa thành không. Kể từ đó, viên kim cương Kohinoor trở thành chủ đề tranh cãi giữa Ấn Độ và Vương quốc Anh. Cuộc tranh cãi này càng nóng lên sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời và ngày càng có nhiều người Ấn Độ muốn đòi lại báu vật quốc gia này.
Trước thông tin Hoàng hậu Camilla không đội vương viện có đính viên Kohinoor tại lễ đăng quang của Vua Charles III vào ngày 6/5, phát ngôn viên của Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc đạo Hindu của Ấn Độ nói với báo chí rằng “Việc Hoàng hậu Camilla đội vương miện có gắn Kohinoor gợi lại những ký ức đau buồn về quá khứ thuộc địa.”
Viên kim cương Kohinoor được gắn lên vương miện của Hoàng hậu Mary, vợ của Vua George V và được Hoàng hậu Mary đội trong lễ đăng quang của Vua George V lần đầu tiên vào năm 1911, sau đó là lễ đăng quang của con trai bà là Vua George VI vào năm 1937.
Viên Cullinan ban đầu nặng tới 3.106,75 carat, sau đó được chế tác, cắt thành 9 viên lớn và 100 viên nhỏ hơn (Nguồn: The Royal Collection Trust) |
Niềm tự hào của người Nam Phi
Ngay trước Lễ đăng quang của nhà vua Charles III, nhiều người Nam Phi cũng dấy lên việc đòi lại viên kim cương gắn trên vương trượng của Hoàng gia Anh mà Vua Charles III sẽ sử dụng cho nghi lễ lên ngôi. Cho đến nay, đã có trên 8.000 chữ ký vào bản kiến nghị kêu gọi nước Anh trả lại các viên kim cương được cắt ra từ viên Cullinan cho Nam Phi.
Viên kim cương thô Cullinan được phát hiện tại một khu mỏ gần thủ đô Pretoria, Nam Phi vào năm 1905. Viên Cullinan ban đầu nặng tới 3.106,75 carat, sau đó được chế tác, cắt thành 9 viên lớn và 100 viên nhỏ hơn.
Trong đó viên Cullinan I là viên lớn nhất, nặng tới 530,4 carat, được mệnh danh là "Great Star of Africa", hiện được gắn trên Vương trượng của Hoàng gia mà Vua Charles III sẽ cầm trong Lễ đăng quang ngày 6/5. Cullinan II là một viên kim cương nhỏ hơn nhưng cũng có trọng lượng trên 350 carat được gắn trên một vương miện khác của Hoàng gia Anh.
Các viên kim cương còn lại có tên là Cullinan III, IV và V đều được gắn trên các đồ trang sức thuộc bộ sưu tập của Nữ hoàng Elizabeth II. Những viên còn lại nhỏ hơn được cắt ra từ viên Cullinan hiện được trưng bày trong bảo tàng London Tower và thuộc sở hữu của Hoàng gia Anh.
Mothusi Kamanga, một luật sư và là nhà hoạt động xã hội ở Johannesburg nói rằng, “Viên kim cương hiện được gắn trên Vương trượng của Hoàng gia Anh cần phải trả lại Nam Phi bởi nó là niềm tự hào, là di sản và văn hóa của người Nam Phi”.
Viên kim cương Cullinan có một không hai trên thế giới sau khi được phát hiện, đã được chính quyền Nam Phi khi đó vẫn là thuộc địa của Anh “dâng” cho Vua Edward VII vào năm 1907 với hy vọng hàn gắn mối quan hệ giữa các nhà cai trị thuộc địa địa phương và Đế quốc Anh sau Chiến tranh Boer lần thứ hai, kết thúc vào năm 1902.