📞

Ấn tượng đêm Gala Liên hoan Thiếu nhi quốc tế VTV 2019

Mai Liên 18:35 | 01/06/2019
Là hoạt động điểm nhấn tại Liên hoan thiếu nhi quốc tế VTV 2019, đêm Gala nghệ thuật "Sắc màu văn hóa bốn phương" đã được tổ chức vào tối 31/5 tại Hội An. Chương trình đã mang tới những phần trình diễn đặc sắc, ấn tượng của các đoàn thiếu nhi quốc tế và Việt Nam.
Đêm Gala “Sắc màu văn hoá bốn phương” đã mang lại cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc thiếu nhi đầy màu sắc và âm thanh rộn ràng với sự tham gia của 8 đoàn nghệ thuật thiếu nhi đến từ các nước Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam. (Nguồn: VTV)
Các khán giả nhí ngay lập tức bị cuốn hút bởi những màn trình diễn nghệ thuật như màn múa mặt nạ cổ điển không khác gì một bộ phim khiêu vũ tuyệt đẹp vốn chỉ được trình chiếu trong các buổi biểu tiệc hoàng gia do chính các em thiếu nhi Thái Lan biểu diễn. (Nguồn: VTV)
Múa hoàng gia - "Khon" của Thái Lan là một vũ điệu tuyệt đẹp chỉ được trình chiếu trong các buổi biểu tiệc dành cho Đức Vua và hoàng gia. Điệu múa này được coi là đỉnh cao nghệ thuật ở Thái Lan. (Nguồn: VTV)
Kalinka bắt nguồn từ tên loài cây trong họ Ngũ phúc hoa kalina, còn được biết đến với tên gọi "Kalinka-Malinka" là tựa đề của một bài hát Nga nổi tiếng. Điệu múa dựa trên nhạc của bài ca này cũng được biết trên toàn thế giới và đặc trưng cho văn hoá dân gian Nga. Đây cũng là điệu múa nổi tiếng nhất của Vũ đoàn Kalinka với sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, vũ điệu điêu luyện và trang phục đậm chất Nga. (Nguồn: VTV)
Đoàn Indonesia mang đến tiết mục múa "Jati Maung". Người biểu diễn hoá thân thành những chú hổ cùng nhau hát ca, nhảy múa. Những chúa sơn lâm vốn không sợ điều gì nay lại phải lo lắng bởi không gian sống đang ngày bị thu hẹp lại do thiên nhiên bị tàn phá, đặc biệt là do tác động của con người. Điệu nhảy truyền đi thông điệp hãy bảo vệ rừng, môi trường và những loài động vật quý hiếm. (Nguồn: VTV)
Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật truyền thống kinh điển của Trung Quốc, là sự kết hợp các loại hình diễn xướng “Ca, nói, biểu hiện, đấu võ, múa”, thuật lại các cốt truyện, khắc họa nhân vật thuộc nhiều tính cách khác nhau. Trong trích đoạn “Tiểu hoa đán ở Lệ Viên”, các em nhỏ với trang phục của các tiểu hoa đán trình bày vũ đạo hiện đại với đạo cụ là tấm khăn tay màu đỏ truyền thống của người Trung Quốc vùng Đông Bắc lưu vực sông Hoàng Hà, với những hoạt động vào buổi sáng trước khi đi gánh nước. (Nguồn: VTV)
Tiết mục của đoàn thiếu nhi Hàn Quốc là sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại với 2 ca khúc đã trở thành những dấu mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc KPOP. “Ariang” – bài dân ca nổi tiếng của Hàn Quốc được chuyển thể với kèn saxophone và “Gangnam style”với điệu nhảy cưỡi ngựa quen thuộc được làm mới trên nền nhạc Jazz. (Nguồn: VTV)
“Na na ne na” là ca khúc nhạc nhẹ phổ biển nhất ở Sri Lanka. Giai điệu của bài hát bắt nguồn từ một bài đồng dao thường được người nông dân hát khi làm đồng. Bài hát miêu tả sự duyên dáng của những cô gái nông thôn và vẻ đẹp của thiên nhiên Sri Lanka. Ca khúc được sáng tác bởi hai nhạc sĩ nổi tiếng của Sri Lanka là Bathiya và Santhush. (Nguồn: VTV)
“Tinikling” là một trong những điệu múa dân gian phổ biến nhất ở Philippines. Tinikling là tên của loài chim chân dài ở Philippines. Người múa Tinikling bắt chước các chuyển động của con chim đi trên cỏ, né tránh các bẫy tre của nông dân Philippines trên cánh đồng lúa rộng lớn. Hai người sử dụng cọc tre đập vào nhau để tạo ra rào cản cho hai người khác nhảy qua. Họ vừa nhảy, vừa hát, vừa vượt qua những thử thách của thanh tre. Tất cả các vũ công biểu diễn Tinikling đều để chân trần. (Nguồn: VTV)
Ca khúc One World mang thông điệp hạnh phúc, hòa bình và đoàn kết, là tiết mục khép lại chương trình với màn diễu hành của toàn bộ nghệ sĩ nhí.. (Nguồn: VTV)
(theo VTV)