📞

Anh lần đầu tiên công bố chiến lược an ninh hàng hải

20:09 | 15/05/2014
Đây là chiến lược quốc gia của Anh, nhằm mục tiêu chủ yếu là đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải cho nước Anh trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều thách thức. Chiến lược được Chính phủ Anh công bố ngày 14/5.

Hiện ngành hàng hải đóng góp trực tiếp khoảng 13,8 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh, và gián tiếp là 17,9 tỷ bảng. Trên cơ sở những lợi thế từ biển, Anh xác định hàng hải là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Vì vậy, biển không chỉ mang lại sự thịnh vượng mà cả an ninh, an toàn cho nước Anh.

Chiến lược mới của Anh đề ra cách thức sử dụng các nguồn lực quốc gia trong việc xác định, đánh giá và xử lý những thách thức về an ninh hàng hải. Chiến lược nhấn mạnh đến 5 mục tiêu ưu tiên chủ yếu, đó là thúc đẩy một môi trường an toàn cho hàng hải quốc tế với việc thực thi các luật lệ quốc tế về hàng hải và biển; giúp các nước khác tăng cường an ninh hàng hải; bảo vệ nước Anh và các lãnh thổ hải ngoại, trong đó có người dân và nền kinh tế, bằng cách hỗ trợ cho việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các bến cảng, cơ sở ở ngoài khơi, và cả tàu chở khách, tàu hàng; đảm bảo an ninh tại các tuyến hàng hải có vai trò sống còn đối với hoạt động thương mại và năng lượng trên toàn thế giới; bảo vệ người dân và tài nguyên của nước Anh và các lãnh thổ hải ngoại, ngăn chặn những hoạt động nguy hiểm và bất hợp pháp, trong đó có khủng bố và tội phạm có tổ chức.

Để hoàn thành những mục tiêu này, Anh đề ra nhiều giải pháp tăng cường hợp tác với đồng minh và các nước khác trên toàn thế giới. Các giải pháp trong khuôn khổ chiến lược này sẽ được áp dụng theo mô hình: tăng cường nhận thức về vai trò của an ninh hàng hải - gia tăng áp lực để tuân thủ luật quốc tế về hàng hải - chủ động ngăn chặn - bảo vệ - phản ứng bằng mọi nguồn lực có thể.

Trong chiến lược này, Chính phủ Anh bày tỏ mối quan ngại về tình trạng căng thẳng leo thang ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nước Anh có những lợi ích quan trọng về kinh tế và chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương, được thể hiện bằng nỗ lực tăng cường quan hệ ngoại giao với khu vực này thời gian qua. Theo Anh, các nước khu vực cần giải quyết tranh chấp biển bằng biện pháp hòa bình, trong khuôn khổ luật pháp, trong khi vẫn phải đảm bảo và thúc đẩy tự do hàng hải, tự do thương mại.

N.K (theo TTXVN)