Trong một tuyên bố, Thủ tướng May nêu rõ: "Tôi xin chúc mừng Thủ tướng Abadi và toàn thể người dân Iraq trước khoảnh khắc lịch sử này. Sự kiện này báo hiệu một chương mới hướng tới một quốc gia hòa bình và thịnh vượng hơn". Tuy nhiên, bà May cảnh báo mặc dù IS đang thất thế song tổ chức này vẫn chưa bị đánh bại, đồng thời nhấn mạnh chủ nghĩa cực đoan "vẫn là mối đe dọa đối với Iraq, có thể từ bên kia biên giới với Syria".
Tương tự, Mỹ cũng đã hoan nghênh việc chấm dứt “hành động chiếm đóng tàn bạo” của IS tại Iraq, sau khi chính quyền Baghdad tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 3 năm qua.
Lực lượng cảnh sát liên bang Iraq ăn mừng chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi chính phủ tuyên bố giải phóng thành cổ Mosul vào ngày 9/7. (Nguồn: Getty Images) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh tuyên bố của chính quyền Baghdad cho thấy những tàn dư của cái gọi là "vương quốc" tự xưng của IS đã bị loại bỏ. Người dân sống tại những khu vực này đã được giải thoát khỏi sự kiểm soát tàn bạo của IS. Tuy nhiên, bà Nauert khẳng định cuộc chiến chống khủng bố, bao gồm cả IS, tại Iraq vẫn sẽ tiếp tục. Bà nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn cần cảnh giác chống lại mọi tư tưởng cực đoan để ngăn chặn IS trở lại hay sự nổi lên của các mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố khác".
Cùng ngày, lực lượng Iraq cho biết đã tiêu diệt 10 thành viên IS tại một đường hầm gần thành phố Kirkuk. Thông báo này được đưa ra không lâu sau khi Thủ tướng Iraq Abadi tuyên bố IS không còn kiểm soát những phần lãnh thổ quan trọng tại Iraq, đồng thời khẳng định cuộc chiến chống IS kéo dài hơn 3 năm qua đã kết thúc.
Theo ông Abadi, do các lực lượng Iraq đã giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực biên giới với Syria từ tay IS, toàn bộ lãnh thổ Iraq đã được giải phóng khỏi IS nên ông tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS. Ông cho biết Iraq đã giành chiến thắng trước IS nhờ sự đoàn kết và ý chí quyết tâm.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari cho biết nước này đã bị các phần tử khủng bố từ 124 quốc gia tấn công, tuy nhiên không có đối tượng nào trong số đó đến từ Iran. Theo quan chức này, những phần tử khủng bố nói trên đến từ Mỹ, Anh, các nước vùng duyên hải Vịnh Ba Tư và khu vực Đông Nam Á.
* Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết IS đã chiếm một số khu vực tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, sau khi đụng độ với lực lượng thánh chiến Hồi giáo đối địch. Đấng chú ý, đây là lần đầu tiên IS quay trở lại Idlib sau khi bị đánh bật khỏi tỉnh này gần 4 năm trước.
Theo SOHR, IS đã chiếm đóng ngôi làng Bashkun sau khi đụng độ với Hayat Tahrir al-Sham, lực lượng do một nhánh của Al-Qaeda trước đây cầm đầu. Động thái trên diễn ra sau nhiều ngày giao tranh giữa hai nhóm phiến quân tại tỉnh Hama, trong đó IS đã chiếm giữ hàng loạt ngôi làng ở phía Đông Bắc khu vực này. Hiện IS chỉ còn kiểm soát một số vùng lãnh thổ nhỏ lẻ ở Syria.