📞

Anh và Italy ‘bắt tay’ kiểm soát di cư, Thủ tướng Sunak bị chê lời lẽ ‘độc hại’

Đông Nhi 09:47 | 17/12/2023
Ngày 16/12, Thủ tướng Anh bị cáo buộc áp dụng lối hùng biện "độc hại" của cựu thư ký nội vụ Suella Braverman, sau khi ông cảnh báo rằng tình trạng di cư sẽ " áp đảo” các nước châu Âu mà không có hành động kiên quyết.
Thủ tướng Anh Sunak và Thủ tướng Italy gặp nhau ở Italy và bàn về vấn đề di cư. (Nguồn: Independent)

Theo The Guardian, trong những nhận xét làm bùng phát thêm cuộc tranh cãi của Đảng Bảo thủ về vấn đề di cư đang hoành hành trong nhiều tuần, Thủ tướng Anh nói rằng “kẻ thù” đang “cố tình đưa người dân đến bờ biển của để cố gắng gây bất ổn cho xã hội của chúng ta”.

Ông Sunak đưa ra nhận xét này tại một lễ hội ở Rome do đảng Anh em Italy cực hữu tổ chức, có sự tham dự của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Ông cho rằng cả hai đều lấy cảm hứng từ chủ nghĩa cấp tiến kiên định của bà Margaret Thatcher trong nỗ lực làm “bất cứ điều gì cần thiết” để “ngăn chặn những con thuyền”.

Theo đó, ông tuyên bố sẽ thúc đẩy nỗ lực cải cách hệ thống tị nạn toàn cầu, đồng thời cảnh báo số người di cư bất hợp pháp tăng cao hiện nay có thể khiến một số khu vực tại châu Âu rơi vào tình trạng quá tải.

Hãng Reuters đưa tin, ông Sunak cho rằng tình trạng di cư trái phép đang gây bất ổn xã hội, khẳng định một quốc gia cần tự quyết định những người có thể tới nước mình. Cả Anh và Italy đều đang chuẩn bị các biện pháp kiểm soát di cư nhằm trấn áp những băng nhóm buôn người.

Theo thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Anh, Thủ tướng Sunak trước đó đã có cuộc hội đàm chính thức với người dồng cấp nước chủ nhà Georgia Meloni tại Văn phòng Thủ tướng Italy. Hai bên nhất trí cùng tài trợ một dự án giúp hồi hương tự nguyện người tị nạn trở lại Tunisia. Văn phòng Thủ tướng Italy khẳng định dự án này sẽ phù hợp với các dự án hiện dành của Liên hợp quốc.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh số người di cư trái phép đến EU trong 11 tháng đầu năm nay đã tăng 17%, lên hơn 355 nghìn người, chủ yếu theo tuyến đường từ Bắc Phi qua Địa Trung Hải tới Italy. Hiện Italy đang lên kế hoạch đưa những người xin tị nạn tới Albania để xét duyệt, trong khi Quốc hội Anh mới đây cũng đã thông qua một dự luật khẩn cấp nhằm khôi phục kế hoạch đưa người xin tị nạn tới Rwanda.