Nhà vua Charles III nhận vương miện. (Nguồn: AP) |
Hoàng hậu Camilla nhận vương miện. (Nguồn: AFP) |
Vua Charles III chính thức đăng quang trong một buổi lễ trang trọng và truyền thống. (Nguồn: Getty Images) |
Vua Charles III chính thức đăng quang trong một buổi lễ trang trọng và truyền thống vào lúc 11h15 (17h15 giờ Hà Nội) ngày 6/5 tại Tu viện Westminster, thủ đô London (Anh).
Lễ đăng quang Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla diễn ra tại Tu viện Westminster ở London với sự tham dự của hơn 2.200 khách mời, là các thành viên hoàng gia Anh và nước ngoài, đại diện của gần 130 quốc gia trên khắp thế giới, các chính khách Anh và các tình nguyện viên trên khắp nước Anh. Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng là một trong khoảng 100 nguyên thủ quốc gia tới dự Lễ đăng quang theo lời mời của Hoàng gia Anh.
Trước Lễ đăng quang, Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla được rước tới Tu viện Westminter trên cỗ xe ngựa mạ vàng Diamond Jubilee State với hành trình bắt đầu từ Cung điện Buckingham, dọc theo đại lộ The Mall đến Quảng trường Trafagar xuống đại lộ Whitehall và phố Parliament trước khi rẽ vào Quảng trường Parliamentvà Broad Sanctuary đến cổng chính phía Tây của Tu viện Westminter. Tham gia lễ rước có gần 4.000 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm Đội danh dự gồm gần 200 sĩ quan.
Vua Charles III đọc lời cầu nguyện. (Nguồn: Reuters) |
Lễ đăng quang Vua Charles III do Tổng giám mục Canterbury Justin Welby điều hành gồm các nghi lễ Ra mắt, Tuyên thệ, Xức dầu thánh, Đội vương miện và Lên ngôi.
Theo các nghi lễ này, Nhà vua ra mắt công chúng với tuyên bố của Tổng giám mục Caterbury rằng Vua Charles III chính thức trở thành vua. Tiếp theo, nhà vua tuyên thệ bảo vệ pháp luật và Nhà thờ Anh trong thời gian trị vì và được xức dầu thánh trước khi đội vương miện St Edward và lên ngai vàng.
Sau nghi thức Đội vương miện, 62 phát đại bác được bắn từ Tháp London cùng với 21 phát đại bác được bắn tại 11 địa điểm trên khắp nước Anh.
Vua Charles III và Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby trong buổi lễ đăng quang. (Nguồn: Reuters) |
Ngay sau khi Vua Charles III lên ngôi, Hoàng hậu Camilla được xức dầu thánh, đội vương miện và được tùy tùng hộ tống lên ngai hoàng hậu mà không phải thực hiện nghi thức tuyên thệ.
Là vị quân vương thứ 40 kể từ năm 1066 và là vị tân quân vương lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Anh, Vua Charles III lên ngôi sau khi mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II, qua đời ngày 8/9/2022.
Trong một tuyên bố, Cung điện Buckingham cho biết mặc dù bắt nguồn từ truyền thống lâu đời, lễ đăng quang phản ánh vai trò của quốc vương ngày nay và hướng tới tương lai, cho rằng lễ đăng quang là một nghi lễ tôn giáo long trọng, đồng thời là dịp ăn mừng lớn của đất nước.
Tại buổi lễ, sau phát biểu của Tổng giám mục Canterbury, Vua Charles III tuyên thệ. (Nguồn: Reuters) |
Cung điện Buckingham cho biết, lễ đăng quang Vua Charles III giữ nguyên các nghi thức tương tự trong hơn 1.000 năm qua trong khi mang tinh thần của thời đại ngày nay.
Sau lễ đăng quang, Nhà vua và Hoàng hậu trở về Cung điện Buckingham trên cỗ xe ngựa Gold State trong lễ rước theo đúng tuyến đường lúc xuất phát.
Sau khi về tới Cung điện Buckingham, Nhà vua và Hoàng hậu dự lễ chào mừng hoàng gia tại vườn Cung điện. Kết thúc buổi lễ, Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla lên ban công Cung điện Buckingham vẫy chào người dân tụ tập dưới đại lộ The Mall và chứng kiến màn biểu diễn máy bay kéo dài 6 phút.
Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla đi xe ngựa tới Tu viện Westminster. (Nguồn: NYT) |
Lễ đăng quang được truyền hình trực tiếp để khán giả Anh và quốc tế theo dõi. Tháng 9 năm ngoái, Lễ tấn phong Vua Charles III cũng lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp.
Hơn 57 địa điểm trên khắp Vương quốc Anh được lắp đặt các màn hình lớn để người dân có thể theo dõi sự kiện tại địa phương. Các màn hình khổng lồ cũng được đặt ở công viên Hyde Park, Green Park và St James's Park để phục vụ người dân London.
Hoàng hậu Camilla vẫy tay với người dân trên đường di chuyển. (Nguồn Reuters) |
Lễ đăng quang Vua Charles là một phần của kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày tại Anh với các hoạt động chào mừng vị quốc vương mới.
Ngày 7/5, buổi hòa nhạc Đăng quang sẽ được tổ chức tại Lâu đài Windsor. Cùng ngày, người dân trên toàn Vương quốc Anh sẽ tham dự bữa trưa lớn mừng lễ đăng quang, theo đó các cộng đồng và những người hàng xóm láng giềng sẽ cùng chia sẻ đồ ăn.
Chính phủ Anh tuyên bố Thủ tướng Rishi Sunak sẽ chủ trì một bữa trưa lớn tại Phố Downing vào ngày 7/5 với khách mời bao gồm các tình nguyện viên cộng đồng trên khắp đất nước.
Trong lễ đăng quang, Vợ chồng Nhà vua Charles III và Camilla sẽ ngồi trên xe ngựa kéo hiện đại, đi dọc tuyến đường dài 2 km từ Cung điện Buckingham đến Tu viện Westminster. (Nguồn: New York Times) |
Đội kỵ binh Hoàng gia Anh vào vị trí trước Cung điện Buckingham, điểm bắt đầu của buổi lễ đăng quang. (Nguồn: Getty Images) |
Bất chấp trời mưa, hàng nghìn người đổ về Công viên Hyde Park ở London để theo dõi lễ đăng quang qua màn hình lớn, giống như họ đã từng tập trung ở đây để theo dõi lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II năm ngoái. (Nguồn: AP) |
Vua Charles III, trước đây là Thái tử Charles, Thân vương xứ Wales, sinh ngày 14/11/1948. Ông là con trai cả của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh. Ông trở thành người kế vị ngai vua lúc 3 tuổi khi mẹ ông trở thành Nữ hoàng Elizabeth II vào tháng 2/1952 sau khi cha bà, Vua George VI mất. Với tư cách là người thừa kế ngai vàng, Thái tử Charles nhận tước hiệu truyền thống là Công tước xứ Cornwall theo hiến chương của Vua Edward III vào năm 1337. Năm 1967, ông theo học ngành Khảo cổ học và Nhân chủng học tại Đại học Cambridge, nhưng sau đó chuyển sang học Lịch sử và tốt nghiệp năm 1970. Ngoài các nhiệm vụ chính thức và nghi lễ tại Vương quốc Anh và ở nước ngoài với tư cách là Thân vương xứ Wales, Thái tử Charles quan tâm sâu sắc và tích cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống công cộng trong nhiều thập kỷ. Ông có công trong việc thành lập hơn 20 tổ chức từ thiện trong hơn 40 năm qua. Ông cũng hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức hỗ trợ các hoạt động liên quan đến môi trường, cộng đồng nông thôn, nghệ thuật, y tế và giáo dục. |
| Nước Anh sẵn sàng cho lễ đăng quang của Vua Charles III Mới đây, Cung điện Buckingham cho biết, hơn 2.200 người sẽ tham dự lễ đăng quang của Vua Charles III, bao gồm 203 đoàn đại ... |
| Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến London, bắt đầu chương trình tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Dự kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ gặp Nhà vua Charles III và Hoàng hậu Camilla, gặp các nhà lãnh đạo Chính phủ, ... |
| Những bức ảnh 'hiếm có, khó tìm' ghi lại lễ đăng quang của các quốc vương Anh Tuy chế độ quân chủ Anh tồn tại lâu đời nhưng mới chỉ có 4 vị quốc vương được chụp ảnh ghi lại lễ đăng ... |
| Cuộc đời của Vua Charles III: Từ Hoàng tử bé đến ngai vàng Nước Anh đã sẵn sàng cho lễ đăng quang của Vua Charles III vào ngày 6/5 - sự kiện trọng đại chào đón vị quốc ... |
| Lễ đăng quang của Vua Charles III: Sự kết hợp giữa âm hưởng nghi thức thời trung cổ và những nét hiện đại Tại Lễ đăng quang, Vua Charles III được bôi dầu thánh, nhận bảo vật truyền thống bao gồm quả cầu và vương trượng, được đội ... |