Người Nga bán bớt các khoản nắm giữ bằng đồng USD và đồng Euro. (Nguồn: biz.crast.net) |
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, sau khi Ruble rơi xuống mức 90 Ruble đổi 1 USD vào đầu tháng 7, người dân bắt đầu bán ra số ngoại tệ trị giá 450 triệu USD, chủ yếu trong nửa đầu tháng 7.
Ngân hàng trên cho hay, áp lực lên đồng Ruble tiếp tục được tạo ra do cán cân thương mại nước ngoài giảm và các nhà xuất khẩu thu được ít ngoại tệ hơn. Tuy nhiên, ngân hàng lưu ý, sự suy giảm của đồng nội tệ Nga trong tháng 7 không đáng kể so với mức giảm 10,4% vào cuối tháng 6.
Đồng Ruble đã suy yếu so với các đồng tiền phương Tây trong nhiều tháng.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng, xu hướng này là do những thay đổi trong cán cân thương mại của Moscow trong bối cảnh áp lực trừng phạt của phương Tây và nhu cầu ngoại tệ mạnh trong mùa Hè.
Vào đầu tháng 6, đồng USD được định giá khoảng 80-81 Ruble và đến tháng 7 là khoảng 89 Ruble đổi 1 USD. Tỷ giá đạt đỉnh vào ngày 6/7, khi lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, 1 USD đổi được 93 Ruble.
Xu hướng nói trên tiếp tục trong tháng 8 và đến ngày 9/8, 98 Ruble mới đổi được 1 USD.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, thị trường giao dịch tiền tệ của nước này tiếp tục "quay lưng" lại với đồng USD và đồng Euro để hướng tới đồng tiền của các "quốc gia thân thiện" hoặc những quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chẳng hạn, tỷ trọng đồng Nhân dân tệ trên thị trường đã tăng từ 39,8% trong tháng 6 lên 44,0% trong tháng 7 - mức cao kỷ lục mới đối với Nga.
Ngoài ra, tỷ trọng của đồng Euro và USD đã giảm từ 58,8% trong tháng 6 xuống còn 54,4% vào tháng 7.