📞

Áp thấp nhiệt đới: Mưa lớn tại Quảng Bình; cảnh báo lũ trên sông Gianh

10:47 | 26/09/2023
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Nước lũ cuồn cuộn trên địa bàn huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. (Nguồn: Báo Môi trường và Đô thị)

Mưa lớn gây ngập và chia cắt một số tuyến đường ở khu vực biên giới Quảng Bình

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, trong ngày 25 đến sáng 26/9, mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt một số tuyến đường và chia cắt giao thông ở khu vực biên giới đất liền địa bàn 2 huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa.

Khu vực đường vào bản Hà (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), nước ngập khoảng 0,3m, nguy cơ chia cắt cục bộ.

Các điểm trên địa bàn huyện Minh Hóa như: đường vào xã Hóa Sơn nước ngập sâu từ 0,7-1m, dài khoảng 15 m; cầu từ bản Lương Năng đi thôn Thuận Hóa (xã Hóa Sơn) nước ngập sâu khoảng 1m khiến người và phương tiện không qua lại được.

Tại các ngầm Ka Ai, Ka Định, Ka Ốc, Hà Nông (xã Dân Hóa), nước lên cao từ 1-1,5m...

Quốc lộ 12A đoạn Km 121+800, thuộc bản Yleng (xã Dân Hóa) bị sạt lở khoảng 50 m3 đất đá gây ách tắc giao thông.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập cảnh báo và thông báo Công ty Quản lý đường bộ 909 khẩn trương khắc phục điểm sạt lở, đảm bảo thông đường để người và phương tiện thuận lợi di chuyển.

Trên tuyến biên giới biển, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh có 6.583 phương tiện với 19.395 lao động; đang neo đậu tại bến là 6.546 phương tiện.

Đến thời điểm 21h30 ngày 25/9, có 37 phương tiện với 259 lao động đang hoạt động trên biển. Các phương tiện này đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và chủ động phương án nhằm đảm bảo an toàn.

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của thời tiết, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng trên 2 tuyến biên giới chủ động, sẵn sàng phương án hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Các đơn vị chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ.

Đồng thời, bố trí lực lượng bám sát địa bàn; thiết đặt cảnh báo, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, điểm có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra…

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị luôn cập nhật tình hình thời tiết, giữ liên lạc và thông báo đến các chủ phương tiện trên biển về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, yêu cầu tàu, thuyền tìm nơi tránh trú an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng phó và giúp dân phòng, chống thiên tai…

Tin lũ trên sông Gianh (Quảng Bình); tin cảnh báo lũ trên các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh

Hiện trạng diễn biến trong 12 giờ qua

Lũ thượng nguồn sông Gianh (Quảng Bình) tại Đồng Tâm đã đạt đỉnh 13,36m (5h ngày 26/9), trên báo động (BĐ)2 0,36m và đang xuống.

Hiện nay, lũ hạ lưu sông Gianh đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 26/9, trên sông Gianh tại Đồng Tâm 12,93m, dưới báo động (BĐ)2 0,07m; tại Mai Hóa 3,99m, trên BĐ1 0,99m.

Các sông Hà Tĩnh đang lên và còn ở dưới mức BĐ1.

Dự báo

Trong 6-12 giờ tới, lũ hạ lưu sông Gianh tiếp tục lên. Trưa nay (26/9), lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa đạt đỉnh ở mức 5,2m trên BĐ2 0,2m. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Gianh xuống dần.

Cảnh báo

Từ nay (ngày 26/9) đến ngày 28/9, trên các sông ở Nghệ An đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên tại thượng lưu các sông từ 2-4m, tại hạ lưu từ 1,5-3,0m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ thượng nguồn sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) ở mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu dưới BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 2.

Cảnh báo tác động của lũ:

Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.

(theo TTXVN, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)