📞

Áp trần giá dầu Nga: Hàng loại tàu nghẽn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nga quan ngại; một 'cú sốc kinh tế' mới với Moscow?

Việt An 07:48 | 08/12/2022
Ngày 7/12, Nhật báo Telegraph đưa tin, các quan chức Anh đang trao đổi với phía Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết tình trạng hàng loạt tàu chở dầu bị nghẽn lại ngoài khơi Ankara.
Một giếng dầu gần thành phố Nefteyugansk, phía Bắc nước Nga. (Nguồn: Reuters)

Việc tắc nghẽn xảy ra sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế mới với dầu thô của Nga từ ngày 5/12.

Telegraph dẫn lời một người phát ngôn Bộ Tài chính Anh xác nhận, nước này, Mỹ và EU đang phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ và ngành vận tải biển để giải quyết tình trạng hiện nay. Vị quan chức này cho hay, không có lý do gì để cấm các tàu đi qua Eo biển Bosphorus.

Tình trạng tắc nghẽn xảy ra trong bối cảnh chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các tàu chở dầu đi qua vùng biển nước này phải xuất trình đầy đủ giấy tờ bảo hiểm.

Truyền thông phương Tây tiết lộ, đã có khoảng 20 tàu chở dầu đang chờ được phép di chuyển qua vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía Nga, hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, nước này quan ngại về tình trạng các tàu chở dầu tắc nghẽn ở eo biển Bosphorus và đang thảo luận vấn đề này với các công ty bảo hiểm và vận tải.

Trước đó, ngày 6/12, một quan chức của G7 nhận định, sự gián đoạn trong hoạt động lưu thông tàu chở dầu từ các cảng Biển Đen của Nga đến Địa Trung Hải là hệ quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng quy định mới về bảo hiểm, chứ không phải vấn đề áp trần giá dầu của Nga.

* Theo một báo cáo được công bố ngày 7/12, các nhà phân tích thuộc ngân hàng trung ương của một số quốc gia cho rằng, chính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu thô xuất khẩu của Nga, cùng quyết định của EU cấm vận mặt hàng này, là “cú sốc kinh tế mới” với Moscow.

Hai quyết định trên có thể làm sụt giảm đáng kể hoạt động kinh tế của nước này trong những tháng tới.

Quyết định áp giá trần đối với một số sản phẩm dầu xuất khẩu của Nga, do G7 phối hợp ban hành cùng EU và Australia, được triển khai gần như đồng thời với việc châu Âu cấm nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, cùng những cam kết tương tự được Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh đưa ra.

(theo Reuters)