EU, G7 và Australia đồng ý áp trần giá dầu Nga từ ngày 5/12. (Nguồn: AP) |
5/12 cũng là ngày khối 27 thành viên "nói không" đối với hầu hết dầu thô của Moscow được vận chuyển bằng đường biển.
Như vậy, kể từ ngày này, dầu Nga được bán với giá bằng hoặc thấp hơn 60 USD/thùng mới có thể tiếp tục được giao hàng. Các công ty có trụ sở tại EU, các nước G7 và Australia bị cấm cung cấp các dịch vụ cho phép vận tải hàng hải, chẳng hạn như bảo hiểm, với giá dầu cao hơn mức giá đó.
Tài chính của Nga ảnh hưởng không nhiều?
Việc thực thi lệnh cấm bảo hiểm - do EU và Anh áp đặt trong các đợt trừng phạt trước đó - "có thể lấy đi rất nhiều dầu thô của Nga" khỏi thị trường toàn cầu, khiến giá dầu tăng vọt. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến các nền kinh tế phương Tây nhưng ngược lại, thu nhập của Moscow sẽ tăng lên, bất chấp các lệnh cấm vận.
Nga - nhà sản xuất dầu số 2 thế giới - đã định tuyến lại phần lớn nguồn cung bằng cách bán nhiều dầu hơn cho Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác với giá chiết khấu, sau khi bị các khách hàng phương Tây "xa lánh".
Chuyên gia chính sách năng lượng Simone Tagliapietra tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels (Bỉ) nhận thấy, mức trần 60 USD sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Moscow, đồng thời nhấn mạnh: "Điều đó gần như sẽ không được chú ý".
Dầu hỗn hợp Urals của Nga được bán với mức chiết khấu đáng kể so với dầu Brent chuẩn quốc tế và giảm xuống dưới 60 USD trong tuần này do lo ngại nhu cầu giảm từ Trung Quốc.
Ông Tagliapietra nói: “Trước mắt, mức trần không phải là một con số thỏa mãn, nhưng có thể ngăn Điện Kremlin thu lợi nếu giá dầu đột ngột tăng cao hơn. Mức trần có thể được hạ xuống theo thời gian nếu phương Tây muốn tăng áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nếu mức trần thấp tới 50 USD, thu nhập của Moscow sẽ giảm và khiến quốc gia này khó cân bằng ngân sách nhà nước".
Tuy nhiên, dù áp trần ở mức 50 USD thì vẫn cao hơn chi phí sản xuất của Nga từ 30-40 USD/thùng.
Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks tại Viện Tài chính quốc tế ở Washington (Mỹ) nhận định, mức trần 30 USD sẽ khiến Moscow phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính.
Tác động lớn nhất không đến ngay lập tức
Sau khi EU, G7 và Australia nhất trí mức giá trần dầu, phía Nga tuyên bố sẽ không tuân thủ biện pháp này và sẽ ngừng giao hàng cho các quốc gia tuân theo mức giá trần.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc và Ấn Độ có thể không đồng ý với mức trần. Bên cạnh đó, hai quốc gia châu Á có thể cố gắng thành lập các nhà cung cấp bảo hiểm riêng để thay thế những nhà cung cấp bị cấm bởi Mỹ, Anh và EU.
Không chỉ thế, Moscow cũng có thể bán dầu bằng cách sử dụng các tàu chở dầu “hạm đội đen” với quyền sở hữu không rõ ràng. Dầu có thể được chuyển từ tàu này sang tàu khác và trộn với dầu có chất lượng tương tự để che giấu nguồn gốc.
Chuyên gia Maria Shagina tại Viện Chiến lược quốc tế ở Berlin (Đức) cho biết, ngay cả trong những trường hợp đó, mức trần này sẽ khiến việc bán dầu của Nga “tốn kém, mất thời gian và cồng kềnh” hơn.
Để vận chuyển dầu đến châu Á, các tàu cần tăng gấp 4 lần sức chứa và không phải ai cũng sẽ mua bảo hiểm của Nga.
Song song với đó, các nhà sản xuất của nước này cũng khó có thể thay thế tất cả các đối tác từ châu Âu.
Các nhà phân tích tại Commerzbank nhận thấy, lệnh cấm vận và giới hạn giá dầu của EU "đến cùng lúc" có thể dẫn đến “sự thắt chặt đáng chú ý trên thị trường dầu mỏ vào đầu năm 2023”.
Ngân hàng trên dự đoán, giá dầu Brent chuẩn quốc tế sẽ tăng trở lại mức 95 USD/thùng trong những tuần tới.
Tác động lớn nhất từ lệnh cấm vận của EU có thể không đến ngay lập tức mà có thể sẽ đến vào ngày 5/2/2023 - khi lệnh cấm bổ sung của châu Âu đối với các sản phẩm làm từ dầu (chẳng hạn như dầu diesel) của Nga có hiệu lực.