📞

Áp trần giá khí đốt: EU vừa tạo bước đột phá, EC tuyên bố sẵn sàng dừng vì lý do này

Việt An 09:02 | 20/12/2022
Ngày 19/12, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng dừng áp giá trần khí đốt đã được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí, nếu phân tích cho thấy rủi ro của biện pháp này lớn hơn lợi ích.
EU nhất trí áp giá trần khí đốt 180 Euro/MWh. (Nguồn: Epa/Dpa)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ quan Chứng khoán và các thị trường châu Âu (ESMA) và Cơ quan Hợp tác quản lý năng lượng châu Âu (ACER) sẽ tiến hành phân tích rủi ro và lợi ích.

Cùng ngày, sau nhiều tháng tranh cãi và các cuộc đàm phán khó khăn, Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên EU đã thông qua một cơ chế tạm thời áp giá trần khí đốt. Thỏa thuận này tạo điều kiện cho biện pháp khẩn cấp khác để mua chung khí đốt và tăng cường năng lượng tái tạo.

Biện pháp trên nhằm ngăn chặn các giao dịch trên thị trường khí đốt bán buôn vượt quá một ngưỡng nhất định và do đó ngăn chặn bất kỳ sự tăng giá nào mà cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các công ty và người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten, mục tiêu không phải là giảm giá về mặt cấu trúc mà "hoạt động giống như túi khí của ô tô, để bảo vệ chúng ta trong trường hợp xảy ra tai nạn", tức là giá tăng đột biến.

Bộ trưởng Năng lượng Czech Jozef Sikela, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho rằng, theo các điều kiện nghiêm ngặt, hệ thống này là "thực tế và hiệu quả".

Cơ chế này sẽ có hiệu lực vào ngày 15/2/2023, trong ít nhất một năm.

Trên thực tế, cơ chế sẽ được kích hoạt tự động ngay khi giá của hợp đồng hằng tháng quy định việc giao hàng vào tháng tiếp theo đạt 180 Euro (190,8 USD)/MWh trong ba ngày liên tiếp trên TTF - sàn giao dịch đóng vai trò tham chiếu cho phần lớn khí đốt giao dịch ở châu Âu.

Nhưng với điều kiện nghiêm ngặt là giá này cũng cao hơn ít nhất 35 Euro so với giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trung bình quốc tế, để ngăn các nhà cung cấp LNG từ bỏ châu Âu, quay sang khách hàng châu Á trả tiền mua khí đốt với giá hấp dẫn hơn.

Sau khi cơ chế này được bắt đầu, các giao dịch đối với hợp đồng tương lai trên TTF, cũng như trên các nền tảng giao dịch khác, sẽ bị giới hạn trong 20 ngày - nhưng không phải là giao dịch tự do bên ngoài thị trường được quản lý.

Các hợp đồng này sau đó không còn được giao dịch vượt quá "mức trần động", tương ứng với giá tham chiếu quốc tế của LNG (được tính theo giá thế giới) cộng với 35 Euro. Mức trần có thể thay đổi, giúp đảm bảo rằng châu Âu vẫn là một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp so với giá chào bán ở châu Á.

Cơ chế này sẽ tự động bị vô hiệu hóa khi giá của hợp đồng TTF hằng tháng giảm xuống dưới 180 Euro hoặc nếu EU tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với nguồn cung.

Theo Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher, thỏa thuận "cung cấp các biện pháp bảo vệ" để đảm bảo an ninh cung cấp khí đốt của châu Âu và sự ổn định tài chính của các bên tham gia thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là một giải pháp kỳ diệu.

Simone Tagliapietra, chuyên gia từ Viện Bruegel nhận xét, châu Âu nên tập trung vào các giải pháp thực sự: Giảm nhu cầu và chuyển đổi xanh.

(theo Reuters, AFP, TTXVN)