TIN LIÊN QUAN | |
APEC 2017: Báo chí quốc tế đưa tin đậm nét về đóng góp Việt Nam trong APEC | |
APEC 2017: Khai mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế |
Kết thúc Hội nghị AMM 29, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì cuộc họp báo thông tin về kết quả các buổi làm việc của các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thông báo, đến nay, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Việt Nam đã nỗ lực cùng các nền kinh tế APEC hiện thực hoá chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên hợp tác bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Hội nghị đã thành công tốt đẹp. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thông báo với giới truyền thông, Phó Thủ tướng cho biết, các Bộ trưởng đã tiến hành ba phiên họp toàn thể về các chủ đề: Tình hình kinh tế thế giới và khu vực và vai trò lãnh đạo của APEC, Tạo động lực mới cho tăng trưởng và Tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực.
Bốn kết quả nổi bật của hội nghị AMM 29 được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu rõ:
Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực còn nhiều bất định, các Bộ trưởng đã khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC. Nhiều biện pháp cụ thể đã được bàn tới nhằm thúc đẩy thương mại tự do, thuận lợi hóa đầu tư khu vực, hoàn tất các mục tiêu Bogor, tăng cường kết nối đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách cơ cấu, giảm rủi ro, chú trọng nâng cao năng lực của các thành viên, hoan ngênh nỗ lực của các thành viên triển khai tuyên bố Lima – hướng tới thành lập Khuôn khổ hợp tác thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Thứ hai, trước xu thế biến đổi sâu rộng của toàn cầu hóa, các Bộ trưởng APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trang bị kỹ năng mới cho người lao động trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên số.
Kết thúc AMM 29, các bộ trưởng thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, đáng chú ý là khuôn khổ thuận lợi hoá thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bền vững và sáng tạo, và các sáng kiến nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu 2020, an ninh lương thực. Nhiều văn kiện đã được thông qua trình lên lãnh đạo APEC trong những ngày tới. Trong đó có nhiều văn kiện dự kiến thông qua trong năm nay, như thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội...
Cuối cùng, các nền kinh tế bước vào giai đoạn chuẩn bị cho APEC trong quá trình bước vào giai đoạn phát triển thứ tư, hoàn thành các mục tiêu Bogor năm 2020, cũng như thống nhất duy trì thảo luận cho các mục tiêu sau năm 2020.
Đồng chủ trì Họp báo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, AMM có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam, các nền kinh tế APEC mà còn đối với cộng đồng quốc tế nói chung. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tuy có nhiều ý kiến quan điểm khác nhau, nhưng các Bộ trưởng vẫn cùng nhau đi đến kết luận chung, phản ảnh đầy đủ và thống nhất, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế APEC. Hội nghị đã thể hiện quyết tâm cũng như tinh thần đóng góp tích cực của Việt Nam đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, AMM có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam, các nền kinh tế APEC mà còn đối với cộng đồng quốc tế nói chung. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ trưởng Công Thương cho biết những nội dung thảo luận tại AMM có ý nghĩa trọng tâm, nền tảng để các nhà lãnh đạo APEC thông qua. Những nội dung này phản ánh sự quan tâm đa dạng của các nền kinh tế APEC.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Tuấn Anh, những sáng kiến của chủ nhà Việt Nam tại AMM được các nền kinh tế APEC đánh giá cao, phản ánh quan điểm hội nhập quốc tế tích cực của Việt Nam.
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) là một nội dung không chính thức trong khuôn khổ của APEC nhưng nhận được sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông, cũng như của các nền kinh tế thành viên. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng TPP cũng là những nội dung tiếp nối của quá trình trao đổi và làm việc cấp trưởng đoàn đàm phán của các nước thành viên TPP trong liên tục 4 vòng đàm phán vừa qua.
Theo Bộ trưởng Công thương, các nước đang tiếp tục nỗ lực để duy trì TPP như một hiệp định có chất lượng cao, đồng thời có những điểm cân bằng, phù hợp lợi ích của các thành viên, để tiếp tục mang lại lợi ích chung thông qua việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường, hội nhập và tiếp tục các cải cách.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã đồng chủ trì Hội nghị AMM 29. Tham dự hội nghị có các bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng kinh tế APEC và trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quan sát viên gồm: ASEAN, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF).
APEC khẳng định năng lực, thích nghi, chuyển hóa và dẫn dắt Chín hội nghị, đối thoại của các Bộ trưởng, cùng hơn 200 cuộc họp của các Ủy ban, Tiểu nhóm công tác được tổ chức trong năm ... |
APEC 2017: Khai mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế Sáng ngày 8/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29 ) đã chính thức khai mạc ... |