Ngày 11/11, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong quan hệ với Mỹ, Nga sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, giải quyết các vấn đề có lợi cho nhân dân hai nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, ngày 11/11. (Nguồn: Getty Images) |
Theo Tổng thống Putin, Nga và Mỹ có nhiều vấn đề có thể thỏa thuận như Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START 3), cuộc chiến chống khủng bố... Ông Putin nêu rõ cuộc trao đổi chớp nhoáng với Tổng thống Trump tại Đà Nẵng diễn ra suôn sẻ và thiện chí, đáng tiếc là thời gian hạn hẹp nên chưa thể trao đổi toàn diện về mối quan hệ Nga-Mỹ, về lĩnh vực an ninh và hợp tác kinh tế.
Người đứng đầu nước Nga lưu ý kim ngạch thương mại Nga - Mỹ trước đây ở mức 28 tỷ USD, nay giảm chỉ còn 20 tỷ USD, mà "với những nước như Mỹ và Nga thì đây là con số 0". Bởi vậy hai bên cần tìm cơ hội để thảo luận tổng thể về quan hệ hai nước. Tổng thống Putin cũng cho biết cuộc gặp song phương giữa ông và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị cấp cao APEC không thể tổ chức được một phần do lịch làm việc của cả hai, cũng như một số thủ tục lễ tân. Tuy nhiên, cuộc gặp bất thành với ông Trump cũng cho thấy quan hệ Nga - Mỹ vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng.
Đề cập vấn đề Syria, ông Putin nhắc lại Tổng thống Nga và Mỹ đã thống nhất về tuyên bố chung trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Tổng thống Putin cho rằng tuyên bố chung này là quan trọng vì nó khẳng định một số nguyên tắc cơ bản, đó là hai nước chung tay tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, cũng như khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria, giải quyết vấn đề Syria bằng chính trị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc sau khi quét sách lực lượng khủng bố. Theo ông, điều quan trọng hiện nay là quét sạch hoàn toàn lực lượng khủng bố tại Syria, củng cố các khu vực giảm căng thẳng, củng cố các quy chế ngừng bắn, hình thành các điều kiện cho một tiến trình chính trị.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc các hãng truyền thông Nga là Nước Nga Ngày nay (RT) và Sputnik bị hạn chế tại Mỹ, ông Putin cho rằng việc tấn công các hãng truyền thông Nga "rõ ràng đồng nghĩa với việc tấn công tự do ngôn luận", và Moscow sẽ đáp trả một cách tương xứng. Tổng thống Nga cũng gọi những thông tin cáo buộc Moscow can thiệp tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái là “vô nghĩa", cho rằng cái gọi là “hồ sơ Nga” trong vụ việc này thực chất liên quan tới những bất đồng trong nội bộ nước Mỹ.
Về khả năng Nga và Nhật Bản ký Hiệp ước hòa bình, Tổng thống Putin cho biết đây là một phần trong kế hoạch chung của ông với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, song nó phụ thuộc vào nhiều vấn đề, gồm cả những cam kết của Tokyo với các đối tác của mình trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Nga khẳng định: "Điều quan trọng là tinh thần của 2 nước, của người dân 2 nước trong việc giải quyết lâu dài mọi vấn đề để tạo điều kiện phát triển mối quan hệ trong tương lai”.