📞

APEC 2017: Việt Nam dự kiến đón 10.000 đại biểu

22:40 | 24/06/2015
Ngày 24/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Năm APEC Việt Nam 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết", do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Hội thảo "Năm APEC Việt Nam 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết".

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi rất nhiều sự kiện để chuẩn bị cho Năm APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Với quy mô lớn, thu hút hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước, Hội thảo đã trao đổi về ý nghĩa, công tác chuẩn bị và các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Việt Nam trong năm 2017.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa)

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Diễn đàn APEC luôn có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ý thức về một Cộng đồng APEC ngày càng được tăng cường bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung thảo luận về những thách thức mà APEC đang phải đối mặt kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề an ninh, xu thế liên kết kinh tế đan xen nhiều mâu thuẫn phức tạp. Tuy nhiên, các diễn giả đều cho rằng, APEC sẽ vẫn tiếp tục là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Do đó, vị thế của APEC cần phải được củng cố, liên kết sâu rộng hơn, gắn với phát triển bền vững, tái cơ cấu, các vấn đề toàn cầu và các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới. Các diễn giả cũng khẳng định, các nền kinh tế thành viên tiếp tục coi trọng vai trò của Diễn đàn trong phát triển và chính sách đối ngoại.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Với ý nghĩa đó, việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017, sau 11 năm lần đầu tổ chức APEC vào năm 2006, cho thấy rõ đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn trong bối cảnh mới. Đăng cai APEC 2017 cũng là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện quyết tâm của Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước đã tham dự Hội thảo.
Các hoạt động APEC 2017 có ý nghĩa thiết thực tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tạo thêm nhiều cơ hội cho các vùng miền, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phát triển, giao lưu, quảng bá. Với tư cách nước chủ nhà, APEC 2017 còn đem lại cho Việt Nam cơ hội giới thiệu đến bạn bè khu vực về một đất nước đổi mới, năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, đang trên con đường hội nhập toàn diện với tâm thế mới. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định: "Ta đóng góp để APEC phát triển, cũng là để tận dụng phát triển kinh tế của Việt Nam, phù hợp với xu thế liên kết kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực".

Năm APEC 2017 sẽ diễn ra ở nhiều vùng miền trên cả nước với hơn 100 hội nghị, cuộc họp các cấp. Trong tuần lễ cấp cao, dự kiến Việt Nam sẽ đón khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp, báo chí trong khu vực đến tham dự.

Các đại biểu tại Hội thảo "Năm APEC Việt Nam 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết".

Mặc dù Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2006, nhưng APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những thay đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt, đặt ra cho Việt Nam và tiến trình APEC nhiều vấn đề mới, nhiều thách thức mới. Đó là một trong những lý do Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần kịp thời đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành, chuyển mạnh sang tư duy "chủ động đóng góp và tích cực đề xuất ý tưởng, sáng kiến", thúc đẩy các quan tâm chung, ưu tiên chung, nỗ lực gia tăng các điểm đồng, hài hòa khác biệt. Các cơ quan, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt các xu thế, đẩy mạnh nghiên cứu để đề xuất ý tưởng, sáng kiến cụ thể cho Năm APEC 2017. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong các hoạt động của APEC, nhất là trong việc khởi xướng, thúc đẩy các ý tưởng mới, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối...

"APEC 2017 là một hoạt động đối ngoại quan trọng trong tổng thể hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ nay đến năm 2020. Sẽ có rất nhiều hoạt động ngoại giao đa phương được triển khai để nâng cao vị thế đất nước và tăng thêm nguồn lực cho sự phát triển. Cùng với APEC 2017, chúng ta sẽ thực hiện nhiều cam kết quốc tế và hoàn tất các trọng trách, đặc biệt là trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng ta cũng sẽ phải hoàn tất các cam kết đa phương, nhất là cam kết gia nhập WTO từ năm 2007 mà chúng ta phải hoàn tất năm 2018. Tất cả những điều đó hội tụ với APEC 2017 sẽ tạo ra một sức mạnh mềm mới, một tâm thế mới cho ngoại giao đa phương và hoạt động đối ngoại của Việt Nam".

(Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng, phụ trách Bộ phận thường trực Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017)

Minh Anh