TIN LIÊN QUAN | |
20 năm tham gia APEC: Từ tầm nhìn chiến lược đến những dấu ấn Việt Nam | |
Hoạt động của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Cấp cao ASEAN 33 |
Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC, lãnh đạo các tổ chức quan sát viên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF), cùng Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Yi Xiao Zhun được mời tham dự hội nghị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao văn kiện phê chuẩn CPTPP của Việt Nam cho Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand David Parker. (Nguồn: TTXVN) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Papua New Guinea Rimbing Pato nhấn mạnh với chủ đề “Tận dụng các cơ hội bao trùm, phát huy tương lai số”, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 30 tiếp tục có ý nghĩa quan trọng, tập trung rà soát kết quả triển khai các cam kết APEC đạt được những năm qua và đề ra các biện pháp nhằm tăng cường liên kết kinh tế và tăng trưởng khu vực, duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Ngay sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng đã tiến hành Phiên toàn thể quan trọng về “Tăng cường kết nối, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực”. Các Bộ trưởng nhất trí trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, APEC cần tiếp tục giữ vững đà hợp tác và liên kết kinh tế, thực hiện thương mại và đầu tư tự do và mở, hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 và hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Các Bộ trưởng cam kết thực hiện Kế hoạch tổng thể kết nối APEC, chú trọng kết nối hạ tầng, thể chế và con người, đầu tư hạ tầng kết nối chất lượng, kết nối chuỗi cung ứng, kết nối tiểu vùng, vùng sâu, vùng xa, tăng tính bổ trợ giữa các sáng kiến kết nối khu vực…
Hội nghị cũng nhất trí đẩy mạnh triển khai Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới và Lộ trình kinh tế mạng và kinh tế số, được thông qua trong năm 2017, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khu vực trong giao dịch thương mại điện tử và thương mại số. Bên cạnh đó, APEC cũng cần tập trung giải quyết các hàng rào phi thuế quan, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng khả năng cạnh tranh và tiếp cận kinh tế số.
Các Bộ trưởng nhất trí APEC tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, nâng cao chức năng và hiệu quả hoạt động của WTO.
Tại phiên họp toàn thể thứ hai về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững thông qua cải cách cơ cấu”, các Bộ trưởng đánh giá cao kết quả triển khai Chương trình hành động về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội và Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số - hai văn kiện được thông qua trong năm 2017. Hội nghị nhấn mạnh cần tập trung thực hiện hiệu quả hơn chương trình nghị sự cải cách cơ cấu, phát triển bền vững và bao trùm nông, lâm, ngư nghiệp, an ninh lương thực, năng lượng, giáo dục chất lượng, đào tạo và đào tạo lại, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ… Các Bộ trưởng đề cao vai trò và đóng góp của APEC thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Hướng tới tương lai, các Bộ trưởng hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC trong năm 2018, trên cơ sở chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo tại Tuần lễ Cấp cao Đà Nẵng, đồng thời đánh giá cao hoạt động của nhóm nhằm nghiên cứu, đề xuất tầm nhìn mới cho diễn đàn. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết xây dựng một tầm nhìn APEC chiến lược, dài hạn, tham vọng và vì người dân - doanh nghiệp trong giai đoạn sau năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh năm 2018 là năm đầy thử thách và biến động với thế giới và khu vực, với những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Sau gần ba thập niên phát triển, APEC đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ, nhất là vào những thời điểm khó khăn. Năm 2017, APEC đã khẳng định giá trị cốt lõi về thương mại, đầu tư tự do và mở và cam kết mạnh mẽ ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Trên tinh thần đó, APEC tiếp tục đạt nhiều bước tiến quan trọng về liên kết kinh tế, kết nối khu vực, tăng trưởng chất lượng, phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực…
Trong một thế giới siêu kết nối của kỷ nguyên số, APEC cần tiếp tục đổi mới, khẳng định vai trò đầu tàu về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, liên kết kinh tế khu vực, kết nối, tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như giải quyết các thách thức toàn cầu. APEC cần đi đầu điều phối các cơ chế liên kết kinh tế khu vực đa tầng nấc nhằm hướng tới hình thành FTAAP, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, cân bằng và bao trùm, với vai trò trung tâm của WTO.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự hội nghị AMM 30. (Nguồn: TTXVN) |
Phó Thủ tướng đề nghị APEC cần tiên phong đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, cải cách cơ cấu, hình thành mạng lưới các trung tâm và vườn ươm sáng tạo, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp và khởi nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm công nghệ, giáo dục hàng đầu thế giới. APEC cần hành động mạnh mẽ để triển khai Chương trình hành động về phát triển bao trùm, tăng cường hỗ trợ năng lực giúp các thành viên đang phát triển nâng cao tiếp cận công nghệ số, khả năng thích nghi với thay đổi, ứng phó với biến động, rủi ro và tận dụng hiệu quả các lợi ích của hợp tác và liên kết.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh APEC cần chung tay xây dựng Tầm nhìn sau năm 2020 mang tính chiến lược, tham vọng, hướng tới tương lai vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng chia sẻ năm 2018 đánh dấu đúng 20 năm Việt Nam tham gia APEC. Trong triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có APEC, tiếp tục là trọng tâm của chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các thành viên đóng góp xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, bao trùm, kết nối và thịnh vượng.
Chiều cùng ngày, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 30 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các Bộ trưởng đánh giá cao chủ nhà Papua New Guinea, quốc đảo Nam Thái Bình Dương lần đầu tiên đăng cai APEC, đã đóng góp quan trọng cho thành công của hội nghị và tin tưởng Papua New Guinea sẽ tiếp tục chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 diễn ra trong ngày 17 và 18 tới.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp với các Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand David Parker.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand David Parker, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chính thức trao văn kiện Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng, thể hiện nỗ lực hoàn tất các thủ tục để sớm phê chuẩn CPTPP, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực tham gia định hình các khuôn khổ liên kết kinh tế khu vực. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng việc CPTPP sớm đi vào triển khai sẽ tạo những động lực mới thúc đẩy thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu theo tiêu chuẩn cao.
Phó Thủ tướng khẳng định việc cùng triển khai CPTPP sắp tới sẽ góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - New Zealand, đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai nhằm tận dụng đầy đủ, hiệu quả các lợi ích quan trọng của hiệp định.
Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand David Parker đánh giá cao thành tựu quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong quá trình hình thành CPTPP vừa qua, cũng như quyết tâm của Việt Nam cùng các nước thúc đẩy CPTPP sớm có hiệu lực. Bộ trưởng David Parker tin tưởng CPTPP sẽ tạo điều kiện để hai bên mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại song phương, khẳng định New Zealand sẵn sàng phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi để Việt Nam tận dụng hiệu quả các cơ hội của hiệp định. Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực đối với nước thành viên sau 60 ngày kể từ ngày thông báo bằng văn bản về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Trong trao đổi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono bày tỏ vui mừng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển tốt đẹp trong thời gian qua, nhất là năm 2018 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để triển khai thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm gần đây của lãnh đạo cấp cao hai nước, đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu. Phó Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tạo điều kiện để hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, tiếp tục cung cấp vốn ODA cho Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tăng tiếp nhận tu nghiệp sinh lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.
Bộ trưởng Taro Kono khẳng định Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất và hiệu quả với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Bộ trưởng Taro Kono cho biết Chính phủ Nhật Bản đang xem xét lập luật mới về lao động, mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài, kỳ vọng và mong muốn tiếp nhận nhiều lao động trẻ từ Việt Nam; đề nghị hai bên phối hợp ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật của người Việt Nam tại Nhật Bản.
Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Australia Marise Payne, hai bên vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (3/2018). Hai bên bày tỏ hài lòng với kết quả của Đối thoại chiến lược 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng hai nước tại Hà Nội (10/10/2018) cũng như Đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên vừa diễn ra tại Sydney từ ngày 6 - 9/11 vừa qua.
Hai bên chia sẻ nhận thức về những thách thức đối với khu vực, nhấn mạnh nhu cầu cần tăng cường hợp tác, đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác giữa hai Chính phủ tại các diễn đàn khu vực, nhất là các cơ chế do ASEAN đóng vai trò trung tâm. Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục nỗ lực, sáng tạo thúc đẩy việc triển khai những kết quả đạt được trong Năm APEC 2017, đặc biệt là các sáng kiến về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội cũng như Tầm nhìn APEC sau 2020.
Ngoại trưởng Marise Payne bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hợp tác một cách hiệu quả, thực chất và toàn diện, trong đó ưu tiên sớm xây dựng Kế hoạch hành động để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược trong giai đoạn sắp tới; coi hiệu quả triển khai quan hệ với Việt Nam là hình mẫu về hợp tác quốc tế của Australia.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Italy Cecilia Piccioni chào từ biệt Ngày 9/11 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Italy tại Việt ... |
ADB coi trọng và đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả, lâu dài với Việt Nam Chiều ngày 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng ... |
Sớm mở đường bay tới Darwin, Bắc Australia Ngày 07/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Thủ hiến Vùng Lãnh thổ Bắc ... |