Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Với Tầm nhìn đến năm 2040, Hội nghị đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Bối cảnh đặc biệt và dấu mốc mới
Từ khi thành lập (6/11/1989) APEC đã trải qua 26 kỳ Hội nghị Cấp cao, nhưng năm nay, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Kinh tế thế giới suy thoái mặc dù có dấu hiệu phục hồi song chưa thể sớm quay lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng. Các nước phải cùng lúc ứng phó với khủng hoảng “kép” về kinh tế, an sinh-xã hội, môi trường… cùng những tác động sâu rộng của dịch bệnh Covid-19.
Năm 2020 cũng là dấu mốc quan trọng của hợp tác APEC, đánh dấu kết thúc thời hạn 25 năm triển khai các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, và cũng là thời điểm rà soát nhiều chương trình hợp tác dài hạn và nhất là xây dựng tầm nhìn APEC với những định hướng hợp tác chiến lược, dài hạn trong hai thập kỷ tới.
Hội nghị APEC năm nay còn là cuộc họp đầu tiên kể từ năm 2018 sau khi nước chủ nhà 2019 (Chile) hủy Hội nghị Cấp cao hàng năm do các cuộc biểu tình bạo lực trong nước. Trước đó, Hội nghị Cấp cao APEC 2018 tại Papua New Guinea cũng lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung do Mỹ-Trung có tranh cãi về chính sách thương mại.
Trước những thách thức chung, năm nay, đại diện các nước thành viên APEC đã “gạt những khác biệt sang một bên”, thống nhất thông qua Tầm nhìn Putrajaya 2040 thay thế các Mục tiêu Bogor. Theo đó, Tầm nhìn đến năm 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Tầm nhìn APEC 2040 sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế kỹ thuật,… cùng với các động lực mới về đổi mới, sáng tạo, quá trình số hóa và chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm. Đây được cho là dấu mốc mới định hướng tương lai APEC và khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Trong phát biểu của mình, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh “trọng tâm của APEC là tăng tốc phục hồi kinh tế và phát triển vaccine xin giá cả phải chăng” (Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin); kêu gọi các nước “bảo vệ chủ nghĩa đa phương” và kêu gọi thành lập “khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương sớm” (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình); và cho rằng "việc đưa ra các quy tắc cho một nền kinh tế toàn cầu tự do và công bằng là cực kỳ quan trọng” (Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide)…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27. |
Ấn tượng Việt Nam
Phát biểu khi dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số đề xuất có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC thời gian tới. Thủ tướng đề nghị APEC phối hợp hành động kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, động lực mới đối với APEC chính là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực để nâng cao các giá trị cốt lõi của APEC trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. APEC cần đi đầu đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực số, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách số… Bên cạnh đó, phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu… cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC. APEC cần hỗ trợ các thành viên phát triển theo hướng thông minh hơn, xanh hơn và bao trùm hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC để biến tầm nhìn và ước vọng được thông qua ngày hôm nay thành trái ngọt của hòa bình, ổn định và hạnh phúc của mọi người dân trong khu vực.
Trở thành thành viên của APEC từ tháng 11/1998, 22 năm qua, Việt Nam luôn tích cực tham gia và xây dựng các nội dung hợp tác, chiến lược và chương trình hành động của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia triển khai thành công trên 80 sáng kiến ở hầu hết các lĩnh vực và tích cực tham gia và đóng góp và xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng của APEC. Đặc biệt, trong lần thứ hai đảm nhiệm vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của APEC (tháng 11/2017), Việt Nam đã để lại những dấu ấn tốt đẹp khi chủ trì khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn mới cho APEC sau năm 2020 (Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC), triển khai thực hiện Ðối thoại lần đầu tiên giữa lãnh đạo APEC với ASEAN cũng như đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Với những đóng góp thiết thực và quan trọng, Việt Nam ngày càng được các thành viên APEC tin tưởng và đánh giá cao. Bên cạnh những đóng góp tích cực, sự tham gia hợp tác trong APEC cũng đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam với nhiều cơ hội phát triển về quan hệ chính trị, kinh tế-xã hội, góp phần phát huy nội lực.
Tham gia các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2020 năm nay, vị thế của Việt Nam càng được nâng cao hơn, đặc biệt là sau khi đảm nhiệm thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 tạo nhiều tiếng vang, và hiện vẫn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
| APEC 2020: Thương mại tự do và đổi mới kỹ thuật số là 'phương tiện' để phục hồi kinh tế hậu Covid-19 TGVN. Ngày 20/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cùng các nhà lãnh đạo ở hai bờ Thái Bình Dương ký một tuyên bố tập ... |
| Toàn văn tuyên bố Putrajaya của các nhà lãnh đạo APEC về tầm nhìn APEC đến năm 2040 TGVN. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 đã diễn ra trực tuyến vào tối ngày 20/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng ... |
| Tầm nhìn APEC đến năm 2040: Dấu mốc mới định hướng tương lai APEC và khu vực châu Á- Thái Bình Dương TGVN. Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tầm nhìn đến năm 2040 về một cộng ... |