Nhỏ Bình thường Lớn

APEC 2021: Cùng phối hợp, Cùng hành động, Cùng tăng trưởng

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 từ ngày 11-12/11 theo hình thức trực tuyến.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị không chính thức, tháng 7/2021. (Nguồn: APEC 2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị không chính thức, tháng 7/2021. (Nguồn: APEC 2021)

Nhu cầu hợp tác được phản ánh đầy đủ trong chủ đề của APEC 2021 - "Cùng phối hợp, Cùng hành động, Cùng tăng trưởng” với kỳ vọng đưa khu vực thoát khỏi đại dịch một cách kiên cường hơn, thịnh vượng hơn và bền vững hơn.

Hội nghị cấp cao APEC là hoạt động quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28. Dự kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, chia sẻ về tình hình thế giới, khu vực và xu hướng thúc đẩy hợp tác APEC trong thời gian tới.

Cơ chế hợp tác hàng đầu

Cùng hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng bền vững và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương, 21 nền kinh tế thành viên APEC bao gồm các nền kinh tế lớn của thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Canada) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của khu vực.

APEC cũng là nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại của thế giới, khẳng định được vị thế và vai trò đầu tàu của khu vực.

Hiện nay, APEC đã và đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á-Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Biến thách thức thành cơ hội

APEC 2021 diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức chưa từng có, thế giới đánh giá cao vai trò lãnh đạo và những nỗ lực rất lớn của nước chủ nhà New Zealand trước một thách thức lớn, phi truyền thống như đại dịch Covid-19.

Tháng 6/2020, New Zealand thông báo sẽ chuyển tất cả các sự kiện của APEC 2021 sang hình thức trực tuyến. Việc đảm bảo APEC có thể tiếp tục hoạt động trong thời điểm toàn cầu gián đoạn vì Covid-19 đã được New Zealand chuyển thành cơ hội để đi tiên phong trong lĩnh vực ngoại giao kỹ thuật số. Trong hơn một năm qua, hàng trăm cuộc họp và sự kiện đã được tổ chức thành công và đạt kết quả thực chất.

Trước thách thức lớn nhất từ trước đến nay - Covid-19, ngay khi đại dịch bùng phát, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác như: lập trang thông tin chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, gia tăng nguồn lực tài chính để hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế…

Thực tế cho thấy, virus không có biên giới, không ai được an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. Các nền kinh tế không thể chống lại Covid-19 một mình, hợp tác thông qua APEC trở thành nhu cầu thiết thực hơn bao giờ hết.

APEC 2021: Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng
New Zealand với tư cách là Chủ tịch APEC 2021 đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, đặt ưu tiên hàng đầu khu vực là ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế. (Nguồn: APEC 2021)

New Zealand với tư cách là Chủ tịch APEC 2021, đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, đặt ưu tiên hàng đầu khu vực là ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế.

Các nhà lãnh đạo APEC cùng cam kết nỗ lực gấp đôi để khắc phục tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

Nhìn về tương lai và cách xây dựng trở lại tốt hơn từ những tác động của Covid-19, các bên cũng đồng ý xem xét giảm các rào cản thương mại, vốn có thể làm chậm việc phân phối vaccine và sản phẩm y tế và tăng chi phí.

Chuẩn bị cho bước phát triển mới

Hợp tác APEC tiếp tục được các thành viên coi trọng và khẳng định vai trò đi đầu trong thúc đẩy liên kết kinh tế.

Tuy nhiên, trước nhiều thách thức về cạnh tranh nước lớn gia tăng, sự phát triển mạnh mẽ của nhiều khuôn khổ hợp tác mới trong khu vực, tập hợp lực lượng mới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… gây khó khăn trong việc đạt đồng thuận và thúc đẩy các cam kết đột phá, đồng thời đặt APEC trước yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để chuẩn bị cho Diễn đàn bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của Cách mạng công nghệ 4.0, hiện APEC đang triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn gồm:

Chiến lược tăng trưởng chất lượng đến 2020, Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu đến 2020, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến 2025, Kế hoạch kết nối tổng thể đến 2025, Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến 2030, Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến 2025, Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm đến năm 2030.

Về kinh tế, trong giai đoạn triển khai các Mục tiêu Bogor (1994-2019), tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại, đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC đạt mức tăng trưởng lớn, cụ thể: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ gần như được nhân gấp bốn lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,9%/năm; Mức thuế quan trung bình theo nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) giảm từ 13,9% xuống 5,2% trong năm 2019; Lượng vốn FDI đầu tư vào và ra của các nền kinh tế thành viên APEC tăng trung bình trên 10%/năm với sự đóng góp ngày càng lớn từ các nền kinh tế đang phát triển; Tăng trưởng GDP thực trong APEC đạt trung bình 3,9%/năm.

Thành viên tích cực và trách nhiệm

Trong gần 23 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động đối với Diễn đàn, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung.

Trong công tác điều hành hoạt động của APEC, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể thông qua việc đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều nhóm công tác chủ chốt, như: Ủy ban Thương mại và đầu tư, Ủy ban Quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp...

Riêng trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.

APEC 2021: Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 32 (AMM 32) từ ngày 8-9/11. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sau khi đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017. Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc tới mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung và hợp tác APEC nói riêng, Việt Nam đã chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ bốn định hướng ưu tiên hợp tác trong APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 32 (AMM 32) từ ngày 8-9/11.

Một là, APEC cần phát huy vai trò đi đầu trong thúc đẩy thương mại tự do: hạn chế các biện pháp cản trở thương mại, phân biệt đối xử, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu; mở rộng mạng lưới các hiệp địch FTAs; thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ và cải cách WTO.

Hai là, nâng cao sức chống chịu, tự cường của các chuỗi cung ứng: đẩy nhanh tiến độ thực thi các chương trình hợp tác đã thống nhất về kết nối, kinh tế số, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp.

Ba là, góp phần kiểm soát thành công đại dịch Covid-19: hỗ trợ các thành viên tiếp cận vaccine một cách kịp thời, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine; nâng cao năng lực hệ thống y tế cộng đồng và khả năng ứng phó với bệnh dịch truyền nhiễm và khẩn cấp y tế trong tương lai.

Bốn là, thúc đẩy phục hồi kinh tế song hành với củng cố tính tự cường, bền vững và bao trùm toàn cầu: thúc đẩy hợp tác về thuận lợi hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng - nguồn nước - lương thực, biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và hỗ trợ các nhóm yếu thế.

ABAC: Cùng nhau giải quyết thách thức trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm

ABAC: Cùng nhau giải quyết thách thức trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm

Tại cuộc họp trực tuyến, các thành viên ABAC đã thống nhất cùng nhau hành động để giải quyết các vấn đề như phục hồi ...

APEC 2021: Thúc đẩy kế hoạch hành động cho Tầm nhìn APEC 2040

APEC 2021: Thúc đẩy kế hoạch hành động cho Tầm nhìn APEC 2040

Tại cuộc họp trong tuần trước nhằm hoàn tất các nội dung trong chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác ...