APEC 2023: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Phiên họp cấp cao về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). |
Ngày 16/11 đã diễn ra Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) tại Thành phố San Francisco, Hoa Kỳ.
Cuộc gặp có sự tham dự của Nguyên thủ quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ và đại diện của 14 nước, gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brunei, Indonesia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Fiji, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Cuộc gặp.
Tại Cuộc gặp, các nhà Lãnh đạo đã ghi nhận những tiến triển tích cực trong thảo luận, đàm phán về hợp tác thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng.
Các nhà Lãnh đạo khẳng định mục tiêu xây dựng IPEF là một khuôn khổ hợp tác mở, bao trùm, linh hoạt, bền vững và năng động, đóng góp vào một tương lai hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân.
IPEF cần đem lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển thông qua thu hút các nguồn tài chính và đầu tư mới vào khu vực.
Theo đó, hai quỹ tài chính mới sẽ được thành lập là Quỹ IPEF về khí hậu và Quỹ Tài chính xúc tác IPEF với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu USD nhằm hỗ trợ các dự án về chuyển đổi kinh tế sạch.
Các nước cũng sẽ thảo luận về việc thiết lập một số cơ chế hợp tác chuyên ngành như Chương trình Tăng tốc đầu tư IPEF, Đối thoại Khoáng sản thiết yếu và Diễn đàn đầu tư về Kinh tế sạch.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) là nỗ lực chung nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thay đổi, cơ hội và thách thức đan xen.
IPEF được kỳ vọng là mô hình liên kết, kết nối kinh tế năng động, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đóng góp cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch nước đánh giá cao đóng góp của Hoa Kỳ, đặc biệt là của Ngài Tổng thống Joe Biden, cũng như các nền kinh tế đã tổ chức thành công 5 phiên đàm phán. Ghi nhận, các Bộ trưởng đã thống nhất được tiền đề quan trọng cho hợp tác, trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bao trùm, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng pháp luật và thể chế chính trị của mỗi nước, đề cao tính linh hoạt và tự nguyện.
Để IPEF thực sự hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh ba điểm.
Một là, IPEF cần là cơ chế hợp tác mở, bao trùm, không phân biệt đối xử, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; hoan nghênh sự tham gia của các nước trong và ngoài khu vực; tương trợ và bổ sung với các sáng kiến kết nối, liên kết kinh tế khu vực khác.
Hai là, hợp tác cần đáp ứng nhu cầu phát triển, cân bằng lợi ích của các bên; tôn trọng và tính đến sự khác biệt, đặc thù riêng mỗi nước; chú trọng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực.
Ba là, khuyến khích đầu tư mới vào xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại khu vực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế thịnh vượng, phát triển bền vững, đem lại ấm no cho người dân là khát vọng, mục tiêu chung của tất cả. Việt Nam hy vọng, thông qua IPEF và các khuôn khổ hợp tác khu vực khác, chúng ta cùng xây dựng một tương lai tươi sáng.
Kết thúc Cuộc gặp, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Lãnh đạo về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng.