Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo APEC về nâng cao quyền năng của phụ nữ trong xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Sự kiện nằm trong khuôn khổ nhóm công tác về phụ nữ và kinh tế (PPWE) thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng khoảng hơn 70 đại biểu là các quan chức, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Ngoài ra, còn có đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như: Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Uỷ ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women).
Đặc biệt sự kiện có sự tham gia của đông đảo đại diện của UBND, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội và Sở Tài nguyên và Môi trường của gần 20 tỉnh thành Việt Nam.
Hội nghị tập trung thảo luận 4 chủ đề quan trọng nhằm thúc đẩy lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu tại châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới: các cơ hội và thách thức; các thông lệ tốt và kinh nghiệm tại một số nền kinh tế APEC; một số giải pháp sáng tạo; và các giải pháp thúc đẩy triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động Aotearoa về tầm nhìn APEC 2040, Lộ trình La Serena về phụ nữ và phát triển bao trùm; tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu trong xây dựng chính sách khí hậu bao trùm về giới.
Các đại biểu chia sẻ nhận định phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất và tổn thương sâu sắc nhất bởi biến đổi khí hậu; sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định về khí hậu còn hạn chế và chưa tương xứng với những tiềm năng và đóng góp của phụ nữ.
Vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ đang được quan tâm thúc đẩy và từng bước được lồng ghép trong các chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu song chưa được đồng đều, thiếu sự nhất quán và cần sự quan tâm hơn của các nhà hoạch định chính sách.
Theo thống kê của UNFCCC, tỷ lệ tham gia của phụ nữ tại các phiên đàm phán COP 26 còn khá khiêm tốn, chiếm 37% đại biểu tham dự và 29% thời lượng phát biểu; chỉ 20% các nền kinh tế có những biện pháp rõ ràng nhằm tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong quá trình xây dựng các chính sách khí hậu.
Do đó, tăng cường sự tham dự của phụ nữ trong hành động ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự tham gia trong quá trình đề xuất, xây dựng và xây dựng chính sách khí hậu đóng vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hoà bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Đại diện các nền kinh tế APEC đã chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn, các thông lệ tốt, các mô hình và chiến lược trong thúc đẩy sự tham dự của phụ nữ trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nổi bật là xây dựng khung giám sát và đánh giá việc lồng ghép giới trong các chính sách khí hậu, các công cụ tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các hành động, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, từ cấp địa phương đến trung ương, trong mọi ngành nghề.
Các đại biểu tham dự Hội thảo APEC về nâng cao quyền năng của phụ nữ trong xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Hội nghị cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh nỗ lực, biện pháp ở tầm khu vực và toàn cầu trong thúc đẩy lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu, tập trung các nội dung như: thúc đẩy cam kết mạnh mẽ hơn của các cấp ra quyết định, nhận thức của người dân để đảm bảo bao trùm về giới trong xây dựng các chính sách khí hậu.
Hội nghị cũng khuyến nghị tăng cường sự liên kết “giới-môi trường” trong các chính sách, quá trình ra quyết định cũng như các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các công cụ, hệ thống phân tích dữ liệu, giám sát và đánh giá sự tham gia của phụ nữ; lồng ghép các vấn đề giới vào các gói tài chính khí hậu; tăng cường năng lực lãnh đạo, ra quyết định cho phụ nữ.
Đại diện các tổ chức quốc tế và 20 thành viên APEC đồng thời đánh giá cao các chiến lược, kế hoạch và tầm nhìn ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050…
Kết thúc phiên trao đổi, các đại biểu nhất trí Hội thảo là sáng kiến hết sức có ý nghĩa của Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác APEC về nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là Kế hoạch hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC 2040 và Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm (giai đoạn 2019-2030).
Các khuyến nghị chính sách của Hội thảo cũng đóng góp tích cực vào việc triển khai chủ đề và các ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2023 về tạo dựng một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người.
Quảng Ngãi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng nguồn nhân lực với tỉnh Oita, Nhật Bản Thống đốc tỉnh Oita Hirose Katsusada bày tỏ sự vui mừng và khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Quảng Ngãi và Oita sẽ ... |
Tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Peru Tiếp Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa, Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Boluarte đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Peru. |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Thái Lan và dự APEC 29: Chuyến đi đa thông điệp Chuyến đi 2 trong 1 của của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân thăm chính thức Thái Lan và dự Hội nghị ... |
An ninh khu vực toàn diện và trật tự tương lai châu Á Đông Á có thể sử dụng vị thế lãnh đạo các tổ chức khu vực và đa phương năm 2023 để hướng tới xây dựng ... |
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 09/2023/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ ... |