📞

APPF-26: Vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững

18:40 | 20/01/2018
Với chủ đề: “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững,” Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên.

Bên lề Hội nghị, một số đại biểu đã nêu ý kiến đóng góp cho mục tiêu chung của các quốc gia, đó là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Quang cảnh phiên họp toàn thể 3 Hội nghị APPF-26. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững

Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU), ông Martin Chungong đánh giá APPF-26 là sự kiện có vai trò quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ dân số chiếm 60% trên toàn thế giới với khoảng 4,5 tỷ người, đóng góp 59% GDP toàn cầu. Do đó, vấn đề hòa bình và an ninh ở khu vực là vô cùng quan trọng, đặc biệt là nếu các quốc gia APPF muốn duy trì vai trò của châu Á-Thái Bình Dương đối với các vấn đề toàn cầu.

Ông Martin Chungong cho biết tại APPF-26, các nghị viện đã nhấn mạnh đến vấn đề khủng bố và an ninh một cách nhất quán và toàn diện theo hướng, không chỉ xem xét những biện pháp an ninh mà còn tìm hiểu các giải pháp phòng chống khủng bố. Thách thức về chủ nghĩa khủng bố cần được nhận thức rõ ở cấp quốc gia cũng như khu vực thông qua các chính sách để có thể giải quyết triệt để vấn đề này.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghị viện trong thông qua những cam kết quốc tế, ông Martin Chungong cho rằng Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc bao gồm những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là cơ hội “một lần trong đời” đối với các nghị viện nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của người dân đối với các vấn đề nhân loại đang phải đối mặt. Các nghị viện, nghị sỹ, đại biểu quốc hội phải là những người tiên phong trong việc đưa ra những hành động và biện pháp cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự này.

Khẳng định biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, ông Martin Chungong cho rằng để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay hợp tác của các quốc gia; các nghị viện trong khu vực cần khuyến khích chính phủ các nước tham gia vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, các nghị viện phải chuyển cam kết này thành các chính sách và luật pháp quốc gia; đồng thời có chính sách cung cấp các nguồn lực để thực hiện.

Tổng thư ký IPU Martin Chungong phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ đề của APPF-26 “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững” được ông Jonathan Young, đại biểu quốc hội New Zealand đánh giá là phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là trong thời đại đổi mới sáng tạo với những thay đổi nhanh chóng với lĩnh vực y tế, dân số, kinh tế.

Ông Jonathan Young cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mang lại đà tăng trưởng cho khu vực này đối với các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, văn hóa, giao thông, truyền thông số... Các nghị viện đang hướng đến một thế giới kết nối và nền văn hóa toàn cầu. Do đó, điều quan trọng với APPF là các nghị viện, nghị sỹ cần có tầm nhìn để hiểu và nắm bắt được cuộc cách mạng này.

Cũng theo ông Jonathan Young, tại APPF-26, Đoàn New Zealand đã đưa ra dự thảo nghị quyết về hội nhập kinh tế. Chia sẻ về vấn đề này, ông Jonathan Young cho biết hội nhập kinh tế bao gồm hợp tác song phương giữa các quốc gia và các hiệp định thương mại.

Hiện nay, các doanh nhân trao đổi thương mại thông qua Internet, người dân chia sẻ dữ liệu cá nhân thông qua các trang mạng điện tử. Điều này dẫn đến những thách thức về bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu. Đó là, làm sao để bảo vệ được dữ liệu cá nhân của người dùng internet? Làm thế nào để các nghị viện bảo vệ được người dân, đảm bảo thông tin được sử dụng để đem lại lợi ích cho người dân? Do đó, các nghị viện cần tìm những giải pháp cho vấn đề này nhằm đảm bảo phát triển, hội nhập kinh tế khu vực, đảm bảo cuộc sống người dân.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với mỗi quốc gia

Ông Joseph A.Day, Thượng nghị sỹ, Trưởng đoàn Canada cho biết các nghị viện có vai trò xem xét, thông qua các điều luật và chính sách; giám sát hành pháp của chính phủ và các bộ, ngành. Nếu không có luật pháp và các chính sách, một đất nước không thể được duy trì và phát triển. Do đó, đóng góp của nghị viện đối với hòa bình, ổn định, an ninh, phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của quốc gia cũng như trong khu vực là rất quan trọng.

Đại biểu đoàn Canada phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đối với APPF-26, ông Joseph A.Day đánh giá điểm ấn tượng nhất chính là mục tiêu đưa Hội nghị nữ nghị sỹ trở thành cơ chế chính thức của Diễn đàn. Điều này thể hiện vai trò thúc đẩy bình đẳng giới của APPF.

Đồng quan điểm, ông Dave Akabarshah Fikarno Laksono, thành viên Quốc hội Indonesia cho rằng các nghị viện có vai trò trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với mỗi quốc gia, giúp hình thành các luật, quy định luật pháp và các lực lượng lập pháp. Nếu công tác lập pháp của quốc gia không phát triển, tăng trưởng kinh tế của đất nước đó sẽ gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, điều quan trọng là các nghị viện phải có hiểu biết về những vấn đề các nước đang phải đối mặt, từ đó có giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Dave Akabarshah Fikarno Laksono, Indonesia và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại phát triển; giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng tăng. Doanh nghiệp của hai nước cũng tăng cường đầu tư qua lại. Do đó, sự hiểu biết kinh tế thương mại giữa các quốc gia trong khu vực APPF, đặc biệt là giữa Việt Nam và Indonesia là vô cùng quan trọng.

Ông Dave Akabarshah Fikarno Laksono bày tỏ hy vọng trong tương lai, tất cả các quốc gia APPF sẽ có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ để không phải đối mặt với những rào cản trong thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương cũng như đa phương.