CEO của Apple Tim Cook. (Nguồn: EPA) |
Ngày 26/2, Tập đoàn công nghệ đình đám Apple của Mỹ đã đâm đơn phản đối việc Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang (FBI) ép tập đoàn này mở khóa chiếc iPhone do kẻ khủng bố đã gây cuộc thảm sát ở San Bernardino sử dụng. Quyết định của Apple đưa ra không lâu sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiến nghị yêu cầu tòa án có lệnh buộc Apple hỗ trợ FBI.
Trong đơn kiện gửi Tòa án liên bang ở California, Apple khẳng định rằng: “không có luật nào ủng hộ hành vi không giới hạn này, thậm chí Hiến pháp còn không cho phép điều đó”. Qua đó, Apple cho rằng, Bộ Tư pháp Mỹ đã vượt quá quyền hạn khi ra lệnh cho hãng này mở khóa chiếc iPhone cho FBI.
Apple chỉ trích Chính quyền Washington ép hãng này phải vô hiệu hóa phần mềm bảo mật của iPhone, khiến người dùng điện thoại iPhone đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân. Apple và một số công ty công nghệ khác của Mỹ lo ngại rằng vụ việc này sẽ tạo ra tiền lệ để chính quyền lập “cửa hậu” cho các thiết bị đã được mã khóa.
Phát biểu trước báo giới, chuyên gia của Apple phân tích rằng, lệnh của tòa án sẽ buộc hãng phải tạo ra một hệ điều hành mới cho phép các chuyên viên của FBI có thể sử dụng nó để dễ dàng xâm nhập những chiếc điện thoại iPhone khác. Apple cho rằng, đây là hành động vi phạm quyền hợp hiến của Apple khi ép công ty này phải tạo ra phần mềm ảnh hưởng, thậm chí hủy hoại đến giá trị của hãng, chưa kể đến nguy cơ phần mềm này có thể lọt vào tay đối tượng nguy hiểm.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ trích phản ứng dữ dội của Apple thực tế chỉ là một chiêu trò quảng bá và tiếp thị. Giám đốc FBI James Comey khẳng định, mục tiêu của cơ quan này chỉ là điều tra một vụ án khủng bố, không cần một chương trình "bẻ khóa mọi điện thoại iPhone".
Trên truyền hình, vị CEO nổi tiếng của Apple Tim Cook tuyên bố, ông sẵn sàng đưa vụ việc ra tòa án tối cao nếu cần thiết. Có thể, Apple và đại diện chính phủ Mỹ sẽ tham gia một cuộc điều trần trước tòa vào đầu tháng tới.
Chiếc iPhone mà FBI muốn mở khóa thuộc về Syed Farook, kẻ xả súng ở Bernardino khiến 14 người thiệt mạng.
Theo một khảo sát do hãng nghiên cứu Pew thực hiện, 51% người dân Mỹ ủng hộ những nỗ lực pháp lý của chính quyền Washington nhằm buộc Apple mở khóa chiếc iPhone, trong khi tỷ lệ ủng hộ “gã khổng lồ” công nghệ này là 39%. Nhiều hãng công nghệ Mỹ - gồm Google, Facebook và Twitter - cũng đã lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI.