Manchester United và Arsenal đều đang có những khó khăn của riêng mình. (Nguồn: Getty) |
Manchester United và Arsenal từng là hai đại kình địch trong quá khứ, là đối thủ không đội trời chung cho chức vô địch Premier League, giờ cùng đang trải qua giai đoạn khó khăn của riêng mình. Mọi người vẫn nói nhiều về việc “sau vực thẳm sẽ là đỉnh cao”, rằng hai câu lạc bộ này sẽ sớm trở lại, nhưng bài học AC Milan vẫn còn đó và liệu người hâm mộ hai đội bóng này còn có thể an tâm?
Arsenal rối bời
Thực chất, khủng hoảng của Arsenal đã bắt đầu từ 13 năm trước, năm 2006, khi câu lạc bộ chính thức bước vào chu kỳ “thắt lưng buộc bụng”, thời điểm vừa xây dựng xong sân vận động Emirates. Thương vụ Ashley Cole chuyển sang Chelsea thời điểm đó, như một cú đánh cực mạnh vào danh tiếng ông lớn của một Invincible Arsenal chỉ 2 năm trước, chưa kể việc hàng loạt trụ cột của đội bóng như Dennis Bergkamp hay Patrick Vieira đã có tuổi và không còn đóng góp nhiều vào lối chơi chung đã khiến cho Pháo thủ chính thức bước vào giai đoạn “chuyển giao”.
Không có ngân quỹ chuyển nhượng tốt so với United hay chính Chelsea vừa được thâu tóm bởi Abramovich, Arsenal dựa hoàn toàn vào mắt nhìn người của huấn luyện viên Arsene Wenger. Vị huấn luyện viên người Pháp vẫn không làm mọi người phải thất vọng khi liên tục đem về những Cesc Fabregas, Nasri, Aaron Ramsey, Van Persie hay Alex Song với cái giá cực rẻ, những người sau này đã phần nào trưởng thành và chứng minh được tài năng của riêng mình.
Tuy nhiên, việc thiếu đi những cái tên lớn đã khiến cho những cầu thủ trẻ Arsenal hoàn toàn không có chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần và sớm bị gán mác “nhà trẻ”. Ramsey và Eduardo vụn vỡ trước những chấn thương, Nasri hay Adebayor dứt tình và chạy theo tiếng gọi của đồng tiền, hay thậm chí cả Fabregas và Van Persie, những ngôi sao thực sự, cũng bị cuốn theo sự cuốn hút của những danh hiệu khiến cho huấn luyện viên Wenger gần như phải sống mòn qua từng mùa giải với mục tiêu chỉ giới hạn cho một vị trí trong top 4.
Khủng hoảng của Arsenal tồi tệ đến mức, cựu đội trưởng Granit Xhaka đã nổi đóa, khiêu khích CĐV và cởi áo trước khi bị thay ra trong trận gặp Crystal Palace. (Nguồn: Sport Bible) |
Rồi mọi thứ chính thức lên tới đỉnh điểm vào tháng 4/2018, khi Arsene Wenger rời khỏi Arsenal với những lời đồn rằng ban điều hành đã gây sức ép buộc ông phải ra đi với tham vọng thay đổi đội bóng. Unai Emery đến với những kỳ vọng sẽ thay đổi được đội bóng và lời hứa sẽ duy trì được một Pháo thủ nổi tiếng cùng lối chơi quyến rũ và đẹp mắt.
Nhưng đời không như là mơ và người hâm mộ Arsenal đã sớm tỉnh giấc chỉ hơn 1 năm sau, khi Arsenal vẫn đang lạc lối dưới thời của vị huấn luyện viên người Tây Ban Nha này. Pháo thủ đã khởi đầu mùa giải năm nay theo một cách thực sự “giả dối”, khi những chiến thắng mong manh liên tục đã giúp cho Arsenal có một vị trí tương đối khả quan trên bảng xếp hạng. Nhưng trên cuộc đua đường trường này, Arsenal đã sớm hụt hơi và bộc lộ ra những điểm yếu cố hữu của mình.
Sự hờn dỗi của đội trưởng Granit Xhaka, việc phụ thuộc vào những di sản từ thời Wenger như Aubameyang hay Lacazette, thái độ không dứt khoát của Mesut Oezil, hàng thủ mong manh với Luiz và Sokratis hay khả năng thích nghi chậm chạp của những tân binh như Cellbalos, Nicholas Pepe… tất cả đang tạo nên một Arsenal chậm chạp, “nửa nạc nửa mỡ” và hoàn toàn yếu đuối mà trận thua trước Leicester đã bộc lộ tất cả.
Manchester United bế tắc
Ngắn hơn so với Arsenal, sự khủng hoảng của United đã được dự báo từ trước kể từ ngày huấn luyện viên vĩ đại Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013. Việc bổ nhiệm một cái tên không đủ uy tín như David Moyes cùng các rối loạn từ thượng tầng đã khiến cho Quỷ Đỏ chìm sâu vào đêm đen, gần như không thể thấy lối ra. Sir Alex đã để lại một đội hình không phải là yếu, nhưng để cạnh tranh các chức vô địch thì chắc là chỉ có sự thiên tài của vị Hiệp sỹ nước Anh mới có thể làm được.
Kể từ năm 2013, United đã chi hơn 1 tỷ Euro để nâng cấp đội hình, cũng như liên tục phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của câu lạc bộ với những siêu sao như Angel Di Maria, Romelu Lukaku hay Paul Pogba. Nhưng hết “bông tulip thép” Louis Van Gaal với sơ đồ 3-5-2 cho đến “người đặc biệt” Jose Mourinho cùng triết lý thực dụng đều thất bại trong việc đưa United trở lại đỉnh cao vốn có.
Hiệu ứng tinh thần mà Solskjaer đem lại cũng đã sớm kết thúc, khi Quỷ Đỏ liên tục sảy chân ở giai đoạn cuối mùa giải trước và tiếp tục thi đấu bạc nhược trước những đối thủ nhược tiểu như Newcastle hay West Ham ở mùa giải này.
Chí ít ra thì Manchester United còn đang dần lấy lại được phong độ của mình. (Nguồn: Getty) |
Nhưng liệu cả hai có giống nhau?
Câu trả lời là không, khi ít ra ở sân Old Trafford, mọi người đều đang nhận thấy được những sự thay đổi rõ ràng và triệt để. Quỷ Đỏ không thiếu tiền, nhưng đã không còn những thương vụ “panic buy” phung phí. Những chữ ký đắt giá như Harry Maguire hay Aaron Wan-Bissaka đều đang thi đấu cực tốt, thậm chí một tài năng chớm nở như Daniel James còn đang là cảm hứng cho cả đội.
HLV Solskjaer cũng đã cho thấy bàn tay sắt trái với vẻ hiền lành của mình, những cái tên không phù hợp với triết lý của ông đều bị đẩy đi mà không tìm kiếm sự thay thế, bất chấp điều đó khiến cho United suy yếu khá nhiều như là Lukaku hay Sanchez.
Trung thành với triết lý của mình, United đang dần cho thấy sự tiến bộ. Đúng là đội bóng vẫn gặp khó khăn trước những đội bóng chơi “low-block” (phòng ngự tầm thấp) nhưng lối chơi của cầu thủ United đã thành hình, với sự quyết liệt, năng động và tốc độ đã trở lại trong từng bước chân.
Trận đấu với Brighton & Hove Albion đã cho thấy, United đang có trong tay nhiều hơn Arsenal bây giờ. Pereira và Fred có thể thua kém Pogba, không chỉ một bậc mà là nhiều bậc, nhưng bước chạy của những cầu thủ này có thể khỏa lấp được tất cả và cũng là lời cảnh cáo cho thái độ đủng đỉnh của tiền vệ người Pháp, trái với cách Mesut Oezil đi bộ trên sân và nhẹ nhàng nhận lương cuối tuần.
Maguire và Wan-Bissaka đang chứng tỏ mình trị giá đến từng xu còn Pepe vẫn chưa thể chứng tỏ được mình với cái giá khổng lồ được gắn mác, Ashley Young có thể đã suy giảm phong độ, nhưng cầu thủ người Anh vẫn là một cái tên cựu thần, một người dám đứng mũi trước những chỉ trích, hoặc ít ra cũng là một Maguire sắt đá chứ không phải một mẫu “trẻ trâu” cả trên sân lẫn ngoài đời mà Xhaka đã thể hiện.
United có thể không vô địch mùa này, có thể là cả mùa tới, nhưng nền tảng của đội bóng đang trở lại, ít ra là với những viên gạch mà Solskjaer đã xây dựng. Còn Arsenal, Emery vẫn đang được tin tưởng, nhưng nhìn cách vị huấn luyện viên này đối phó với những ngôi sao ở PSG trước kia và với Mesut Oezil bây giờ, có lẽ người hâm mộ Arsenal sẽ nhìn sang AC với ánh mắt lo sợ.