📞

ASEAN-43: ASEAN thiết thực hơn, linh hoạt hơn, tâm điểm tăng trưởng của cả khu vực

Anh Sơn 15:01 | 04/09/2023
Ngày 4/9, tại Jakarta, Indonesia, trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN-43, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN.
Trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN-43, sáng 4/9, các Bộ trưởng Ngoại giao đã dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. (Ảnh: Anh Sơn)

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.

Trên cơ sở các hoạt động trù bị trước đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN-43 và các Cấp cao liên quan.

Triển khai chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng”, dự kiến Lãnh đạo ASEAN và đối tác sẽ trao đổi nhiều nội dung chiến lược tác động đến khu vực, thống nhất định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN và với các đối tác, cũng như xem xét và thông qua khoảng 90 văn kiện về nhiều nội dung đa dạng như an ninh lương thực, kinh tế số, kinh tế biển xanh, chiến lược trung hòa cacbon, hợp tác trong khuôn khổ Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…

Các Bộ trưởng cũng trao đổi về tình hình hợp tác ASEAN, triển khai các trọng tâm, ưu tiên của năm 2023 và nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành triển khai đúng tiến độ Kế hoạch tổng thể Chính trị-An ninh ASEAN 2025 với kết quả 286 trong tổng số 290 dòng hành động đã được hoàn thành, đạt tỷ lệ 99%.

Văn hóa tham vấn và đối thoại được củng cố thông qua các hoạt động hợp tác sâu rộng cả trong ASEAN và với các đối tác trên tất cả các chuyên ngành của cộng đồng như quốc phòng, tư pháp. Nội dung trao đổi cũng phong phú, bao quát nhiều vấn đề quan trọng như hợp tác biển, an ninh hàng hải, an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, quản lý biên giới…, để giúp ASEAN ngày càng chủ động và linh hoạt hơn trong ứng phó với các biến động, thách thức.

Các đại biểu nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong duy trì cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hợp tác với các nước thông qua các cơ chế của ASEAN; theo đó, nhất trí thiết lập quan hệ đối tác theo lĩnh vực với Maroc và quan hệ đối tác phát triển với Hà Lan.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 27. (Ảnh: Anh Sơn)

Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) đã xem xét toàn diện báo cáo xây dựng Cộng đồng trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, Sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển và nhiều báo cáo chuyên ngành khác.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN là nội dung được các nước đặc biệt quan tâm, nhằm chuẩn hóa các quy trình thủ tục, bảo đảm sự kết nối, phối hợp thông suốt và nhịp nhàng giữa các cơ quan của ASEAN.

Theo đó, Hội nghị đã thông qua Quy trình thủ tục hỗ trợ tiến trình ra quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN, Quy trình thủ tục ký kết các văn kiện không ràng buộc pháp lý của ASEAN và Quy chế hoạt động sửa đổi của Ủy ban Đại diện Thường trực các nước tại ASEAN.

Các nội dung về nguồn lực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng và tăng cường vai trò của các cơ quan ASEAN sẽ tiếp tục được trao đổi trong thời gian tới.

Phát biểu tại các Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt ủng hộ các sáng kiến thiết thực của Chủ tịch Indonesia, đóng góp xây dựng tầm nhìn dài hạn của ASEAN.

Thứ trưởng khẳng định ASEAN là tâm điểm của hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực. Các ưu tiên kinh tế đã góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, ổn định tài chính và phục hồi kinh tế ở khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt ủng hộ các sáng kiến thiết thực của Chủ tịch Indonesia, đóng góp xây dựng tầm nhìn dài hạn của ASEAN. (Ảnh: Anh Sơn)

Thứ trưởng đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN trong ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, trong đó có việc thành lập Trung tâm ASEAN về biến đổi khí hậu và Trung tâm Điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới; khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước thúc đẩy hiệu quả các động lực tăng trưởng kinh tế như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế biển xanh, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ ý kiến các nước về môi trường khu vực và quốc tế, Thứ trưởng nhấn mạnh cần thúc đẩy văn hóa đối thoại và tham vấn, đề cao luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các khác biệt, tranh chấp trong quan hệ quốc tế.

Các cơ quan của ASEAN cần được tăng cường vai trò để đáp ứng tốt hơn tình hình mới, ứng phó hiệu quả các thách thức như an ninh hàng hải, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm biển, an ninh nguồn nước…

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh trách nhiệm của các nước xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, an toàn và ổn định.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh ASEAN cần bám sát nguyên tắc không can thiệp, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp toàn diện, khả thi cho tình hình hiện nay, khuyến khích các bên duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin và thu hẹp khác biệt.

Cũng trong chiều ngày 4/9, các nước ASEAN chứng kiến lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của ba nước Kuwait, Serbia và Panama, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 54.

Lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của ba nước Kuwait, Serbia và Panama, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 54.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và giữa ASEAN với Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF).

Ngày mai, ngày 5/9, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Jakarta.