📞

ASEAN-43 mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC): Thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực

Anh Sơn 14:43 | 05/09/2023
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN-43 và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia, các nước ASEAN chứng kiến lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của ba nước Kuwait, Serbia và Panama, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 54.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-43 đã diễn ra Lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của ba nước Kuwait, Serbia và Panama, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 54. (Ảnh: Anh Sơn)

TAC được ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 1 ở Indonesia vào năm 1976. Mục đích của TAC là nhằm thúc đẩy nền hòa bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các bên tham gia Hiệp ước, góp phần vào sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn của các bên.

Các nguyên tắc cơ bản của TAC là cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia; quyền của mọi quốc gia được tồn tại mà không có sự can thiệp, lật đổ hoặc áp bức của bên ngoài; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; hợp tác với nhau một cách có hiệu quả.

Với việc kết nạp Serbia, Panama và Kuwait, ASEAN đã mở rộng danh sách hợp tác của khối ở khu vực Trung Đông, Châu Âu và Trung Mỹ. Serbia, Panama và Kuwait lần lượt trở thành các quốc gia thứ 52, 53 và 54 ký Hiệp ước Hợp tác thân thiện Đông Nam Á.

Saudi Arabia trước đó đã ký hiệp ước này trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) vào tháng 7. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno rằng số lượng các bên ký kết Hiệp ước ngày càng tăng phản ánh sự quan tâm của các đối tác với ASEAN và là lợi thế để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và hơn thế nữa.

“Trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột toàn cầu hiện nay, chúng ta phải củng cố hơn nữa các giá trị của Hiệp ước Hợp tác và thân thiện Đông Nam Á để củng cố niềm tin.

ASEAN và các đối tác cần tăng đối thoại tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các thách thức chung, như khủng hoảng khí hậu và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và giữa ASEAN với Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF). (Ảnh: Anh Sơn)

Trong khuôn khổ hội nghị, ASEAN cũng đã ký Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương (PIF)

Tại Lễ ký kết các nước khẳng định, ASEAN và các nước ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đối mặt với những thách thức và cơ hội tương tự. Vì vậy, ASEAN và các nước ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương phải hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nên trở thành địa điểm cho sự cạnh tranh của các cường quốc hoặc các cuộc xung đột bắt nguồn từ nơi khác. Điều này sẽ chỉ có thể thực hiện được khi các bên duy trì các giá trị và nguyên tắc chung, cụ thể là mô hình hợp tác thay vì cạnh tranh, tâm lý đôi bên cùng có lợi.

ASEAN - Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tiếng nói và vị thế ngày càng gia tăng đang chứng tỏ sức hút và giá trị của ASEAN với các đối tác cùng cam kết hợp tác thúc đẩy một khu vực hòa bình và thịnh vượng với các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.