Nhỏ Bình thường Lớn

ASEAN - Ấn Độ: Bước ngoặt tuổi 20

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ (1992-2012) từ ngày 20-21/12 tại New Dehli, Ấn Độ.
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10.

Với chủ đề “Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hòa bình và Thịnh vượng chung”, Hội nghị là một mốc mang tính bước ngoặt của quan hệ ASEAN-Ấn Độ với việc thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong 20 năm tới, và nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên đối tác chiến lược. Càng tới gần ngày diễn ra Hội nghị, sức “nóng” của nó càng lan tỏa và thu hút nhiều chú ý khi các nhà lãnh đạo các nước ASEAN cùng có mặt ở New Dehli để tham dự Cấp cao Kỷ niệm. Ấn Độ đã khánh thành một trung tâm báo chí hiện đại để phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền về Hội nghị. Khoảng 450 phóng viên từ các nước ASEAN và Ấn Độ tham gia đưa tin về sự kiện trọng đại này.

Nhân dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, tiếp Lãnh đạo một số chính đảng Ấn Độ và tham dự một số hoạt động khác...

Việt Nam với Ấn Độ và ASEAN

Sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ cùng đại biểu cấp cao VN tại Hội nghị cho thấy sự ủng hộ tích cực của Việt Nam đối với việc thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ phát triển thực chất và hiệu quả. Việc Đoàn VN tham dự Hội nghị còn truyền đi thông điệp về sự coi trọng của VN đối với mối quan hệ hợp tác tốt đẹp có bề dày lịch sử 40 năm với Ấn Độ. VN mong muốn phối hợp chặt chẽ với Ấn Độ trong các cơ chế hợp tác khu vực, bao gồm các cơ chế do ASEAN nắm vai trò chủ đạo, đóng góp cho hoà bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. VN cũng cho rằng, ASEAN và Ấn Độ cần tiếp tục duy trì và xây dựng các dự án hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi ích chiến lược như các vấn đề an ninh phi truyền thống trong đó có an ninh và an toàn hàng hải; tăng cường kết nối toàn diện ASEAN-Ấn Độ; thúc đẩy hợp tác sông Hằng- sông Mekong, giáo dục và giao lưu nhân dân…

Trong những năm gần đây, VN và Ấn Độ đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế liên quan. Ấn Độ đã giúp đỡ VN triển khai hai dự án trọng điểm nằm trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ là Trung tâm phát triển doanh nhân VN - Ấn Độ (VIEDC) tại Hà Nội và Trung tâm Đào tạo Tiếng Anh VN - Ấn Độ (VICELT) tại Đà Nẵng. Hai bên đang thảo luận xây dựng Trung tâm đào tạo tiếng Anh Việt - Ấn đặt tại Học viện Ngoại giao. VN đã hoàn tất thủ tục nội bộ và chuẩn bị đàm phán với Ấn Độ về việc tiếp nhận Dự án xây dựng trạm viễn thám ASEAN - Ấn Độ trị giá hơn 5 triệu USD đặt tại TP. Hồ Chí Minh.

Gắn kết và phát triển

Đa số thành viên của ASEAN có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử với Ấn Độ. Hai bên cùng kế thừa nền văn hóa có sự giao thoa mạnh mẽ bởi đều nằm ở vị trí giao cắt của các tuyến đường biển và đường bộ chủ chốt. Các quốc gia ASEAN và Ấn Độ ủng hộ và cảm thông với nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Càng gần hơn nữa khi tại hầu hết các nước Đông Nam Á đều có người Ấn nhập cư sinh sống từ rất lâu, và trong tâm khảm nhiều người, Phật giáo – tôn giáo thịnh hành ở Đông Nam Á - xuất phát từ miền Bắc Ấn Độ.

Trong bối cảnh theo đuổi chính sách cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…, Ấn Độ đã được các nước ASEAN coi là một đối tác quan trọng. Việc Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại từng phần của ASEAN năm 1992, Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức năm 2002, rồi việc Ấn Độ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ nhất năm 2005… đã thể hiện mối quan tâm của ASEAN tới đất nước Nam Á rộng lớn này.

Đối với Ấn Độ, Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung có vai trò quan trọng đối với chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của nước này. Ấn Độ luôn coi ASEAN là thành tố quan trọng trong chính sách “Hướng Đông” (1993) với phạm vi là toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương – khu vực mà New Delhi coi là “tấm ván trượt” để gia tăng ảnh hưởng và tiến sâu vào thị trường toàn cầu. Thực vậy, đẩy nhanh tốc độ kết nối với ASEAN, tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế của ASEAN góp phần tăng cường vai trò, vị thế của Ấn Độ ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang vận động để giành một ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Về mặt kinh tế, ASEAN là thị trường lớn, Ấn Độ cũng vậy. Cả ASEAN và Ấn Độ cộng lại sẽ có một thị trường khổng lồ với 1,8 tỷ dân và GDP khoảng 2.800 tỷ USD. Trong khi Ấn Độ muốn vươn tới thị trường tiêu dùng mạnh khoảng 600 triệu người có sức hấp dẫn như một thỏi nam châm với cả thế giới thì ASEAN – khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và dầu khí - lại nhắm đến một Ấn Độ rộng lớn rất “khát” những nguyên liệu thô và năng lượng cho sự phát triển của mình. Mặt khác, Ấn Độ có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực mà ASEAN cần kinh nghiệm và nguồn lực như khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục…

Từ sự gắn kết về lịch sử, văn hóa đến lợi ích và nhu cầu, mối quan hệ hợp tác trong hai thập kỷ qua giữa ASEAN và Ấn Độ đã vượt qua khuôn khổ hợp tác chuyên ngành vốn có để trở nên mạnh mẽ và toàn diện hơn. Prashanth Parameswaran, Chủ tịch Hội ASEAN của Trường luật và ngoại giao Fletcher, đánh giá Ấn Độ đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong quan hệ với ASEAN. Rõ nhất là việc tăng cường quan hệ an ninh, một bước phát triển thật logic khi Ấn Độ và một số nước ASEAN cùng chia sẻ đường biển cũng như biên giới trên bộ, chung lợi ích để cùng giải quyết một loạt thách thức khác nhau từ chống khủng bố, chống cướp biển đến bảo vệ đường hàng hải... Đã có tới 25 cơ chế điều phối hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Ấn Độ đã thiết lập được nhiều mối quan hệ mang tính chiến lược với các quốc gia thành viên ASEAN như Indonesia (2005), VN (2007), Thái Lan (2012).

Trên khía cạnh kinh tế, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN có những bước phát triển vượt bậc, nhất là sau khi hai bên đạt được Hiệp định khung về khu vực mậu dịch tự do (FTA) năm 2003. Năm ngoái, kim ngạch thương mại ASEAN - Ấn Độ đạt gần 75 tỷ USD, vượt mục tiêu 70 tỷ USD đề ra cho năm nay. Tuy nhiên, theo một quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam, tỷ trọng thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ vẫn còn thấp hơn so với các nước đối thoại khác của ASEAN. Thống kê cho thấy, tỷ trọng thương mại với Ấn Độ chỉ chiếm 2,7% tổng thương mại ASEAN năm 2010 và dòng vốn FDI từ Ấn Độ chiếm 3,4% tổng vốn FDI vào ASEAN năm 2010.

Tầm nhìn 20 năm tới

Với những thành tựu đạt được trong 20 năm qua, Nhóm các Nhân vật Nổi tiếng ASEAN-Ấn Độ (EPG) cho rằng đã đến lúc nâng quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Ấn Độ lên thành đối tác chiến lược. Theo đó, hai bên cần tiếp tục triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Tuyên bố về Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hoà bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung giai đoạn 2010-2015; sớm hoàn thành đàm phán các Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư để hoàn tất lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Ấn Độ, nâng kim ngạch thương mại lên mức 100 tỷ USD vào năm 2015 và gấp đôi vào năm 2022. Hai bên cũng cần thúc đẩy mạnh hơn nữa kết nối toàn diện giữa ASEAN và Nam Á thông qua các hoạt động cụ thể như sớm xây dựng một Tuyến đường Cao tốc mới nối Ấn Độ - Myanmar – Lào – Việt Nam – Campuchia và mở rộng Đường cao tốc nối 3 nước Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan tới Lào và Campuchia.

Là các quốc gia biển mà sự thịnh vượng gắn liền với thương mại đường biển, các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ cần hợp tác để đảm bảo an ninh hàng hải và tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia ven biển và các quốc gia có sử dụng đường biển, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Hai bên cũng cần đẩy mạnh hợp tác nông lâm nghiệp, phát triển nguồn nhân, du lịch… Ngoài ra, mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ được duy trì và phát triển qua việc tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa giới trẻ các nước.

Vậy là, tròn hai thập kỷ qua, ASEAN và Ấn Độ đã cùng chứng kiến sự vận động, phát triển không ngừng của mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, từ quan hệ đối thoại từng phần nâng lên quan hệ đối thoại đầy đủ… Để rồi, ở độ tuổi 20 tròn đầy, Ấn Độ và ASEAN quyết định sẽ nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Như nhận xét của các chuyên gia, việc nâng tầm quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên đối tác chiến lược vào lúc này là phù hợp với nhu cầu, lợi ích của cả hai bên, với thực tế và triển vọng của mối quan hệ đang trên đà phát triển này.

Việt Lan


Mốc chính trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ

Năm 1992, Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại từng phần của ASEAN. Tháng 12/1995, Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại đầy đủ của ASEAN. Năm 1996, Ấn Độ là thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF Năm 1997, Ấn Độ lần đầu tiên tham dự cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) lần thứ tư của ARF. Năm 2002, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức ở Phnom Penh (Campuchia). Năm 2003, Ấn Độ gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Tháng 3/2004, ASEAN và Ấn Độ bắt đầu đàm phán Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Tháng 11/2004, Ấn Độ và ASEAN đã ký bản Kế hoạch “Đối tác vì hòa bình, tiến bộ và cùng thịnh vượng”. Tháng 8/2009, hai bên ký Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG). Tháng 10/2010, tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã thông qua bản Kế hoạch Hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2010-2015; Nhóm các Nhân vật Nổi tiếng ASEAN-Ấn Độ được thành lập. Tháng 11/2012, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10, Ấn Độ cam kết ủng hộ Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) và kết nối khu vực Đông Á.