Các đại biểu tham dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại Hội nghị, các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước SEANWFZ đối với an ninh khu vực, cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, đồng thời bảo đảm quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình của các nước.
Các nước cũng cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANFWZ giai đoạn 2018-2022, nhất trí tiếp tục tham vấn, thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sớm ký kết Nghị định thư Hiệp ước SEANWFZ.
Hội nghị nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao vai trò và quảng bá giá trị của Hiệp ước, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, qua đó đóng góp cho nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Theo đó, các nước đánh giá cao Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã hoàn tất Bản ghi nhớ các hoạt động liên quan đến Hiệp ước SEANFWZ và gửi đến Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hội nghị ghi nhận các nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN trong thúc đẩy hợp tác kỹ thuật cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đối tác và tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong đó, các nước hoan nghênh Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEANTOM) và Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (AHA) phối hợp xây dựng Quy tắc ASEAN về sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với sự cố hạt nhân/phóng xạ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ ý nghĩa và vai trò của Hiệp ước SEANFWZ, đánh giá cao việc triển khai Kế hoạch hành động tăng cường thực hiện Hiệp ước SEANFWZ giai đoạn 2018-2022 dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng khẳng định ủng hộ ASEAN tiếp tục tham vấn với các nước có vũ khí hạt nhân về việc tham gia Nghị định thư SEANFWZ, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của việc duy trì mục tiêu, nguyên tắc và tính toàn vẹn của Hiệp ước.
Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc xây dựng Quy tắc ASEAN về ứng phó khẩn cấp với sự cố hạt nhân, phóng xạ, coi đây là đóng góp quan trọng cho Sáng kiến Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD) của Chủ tịch Brunei về tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó các thảm họa thiên tai.
Ngày mai 3/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tiếp tục chương trình hội nghị với các Đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN+3