📞

ASEAN cam kết một khu vực không ô nhiễm khói bụi trước 2020

15:35 | 04/12/2015
Các nước ASEAN đang hướng tới một khu vực không ô nhiễm khói bụi trước năm 2020. Tuy nhiên, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, ngày 3/12, các quan chức đến từ 10 nước ASEAN thừa nhận, sẽ mất nhiều thời gian để giảm cháy rừng và tiêu thụ năng lượng hóa thạch tại các quốc gia trong Hiệp hội.
Ô nhiễm khói bụi do cháy rừng ở Indonesia. (Nguồn: Jakarta Post)

 

Trả lời báo chí trong khuôn khổ COP21, Đại diện Ban thư ký ASEAN Ampai Harakunarak chia sẻ, các nước ASEAN chịu áp lực giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới từ những năm 1990 - khi lượng carbon dioxide (CO2) trong không khí không ngừng tăng. Năm 2015, ASEAN chứng kiến cuộc khủng hoảng ô nhiễm khói bụi tồi tệ nhất từ trước tới nay. Các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan chịu thiệt hại nặng nề, nhiều trường học phải đóng cửa, nguy cơ người dân mắc bệnh liên quan tới hô hấp tăng cao.

Ông Ampai nói rằng, Chương trình ASEAN về Quản lý bền vững Hệ sinh thái Đất than bùn (2014-2020) đã được phác thảo nhằm đưa ra các cơ chế kiểm soát dài hạn cho việc tiêu thụ than bùn, loại khoáng sản tạo ra khoảng 70 tỷ tấn CO2 trong không khí các nước ASEAN. Giám đốc Trung tâm môi trường toàn cầu (GEC) khẳng định: “Nếu không giảm lượng tiêu thụ than bùn, ASEAN vẫn sẽ là khu vực có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn trên thế giới”. Hiện nay Hiệp hội đang triển khai Thỏa thuận Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, nhằm khuyến khích các nước thành viên phối hợp kiểm soát khói mù, cũng như chia sẻ thông tin.

Tuy nhiên, ASEAN vẫn phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn năng lượng hóa thạch. Hiện nay, Indonesia đang lên kế hoạch xây dựng 119 nhà máy than với công suất 45 GW (gigawatt). Ông Gary William Theseira, Thứ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia cho rằng, việc giảm sự phụ thuộc vào than trong phát triển công nghiệp của khu vực là không khả thi. Hơn nữa, tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió tại ASEAN vẫn chưa thể bằng các nước phát triển.

Phạm Hằng (theo Jakarta Post)