Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN tham dự khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54). Ứng phó với Covid-19 là chủ đề trọng tâm được thảo luận tại các hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh ASEAN đứng trước rất nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực.
Trong 5 ngày diễn ra hơn 20 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, các Bộ trưởng cùng các đối tác đã dành nhiều thời gian trao đổi về hợp tác ứng phó và phục hồi sau đại dịch, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine.
Trong các cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị, đều đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, sớm hoàn tất khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN trong năm nay để đảm bảo kết nối, thúc đẩy phục hồi khu vực.
Chìa khóa vaccine
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) diễn ra ngày 2/8, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Tinh thần ấy đã được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua và được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.
Trong các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, Bộ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa thiết yếu của vaccine trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19.
Tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra ngày 3/8, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các nước cần tăng cường hợp tác bảo đảm cung ứng đầy đủ vaccine Covid-19 hướng tới tự cường, tự chủ về vaccine, phát triển chuỗi cung ứng vaccine khu vực gồm các trung tâm sản xuất vaccine tại các nước ASEAN+3, trong đó đề nghị các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực y tế dự phòng và cung ứng vaccine cho các nước ASEAN.
Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, trong đó có mục tiêu để mua sắm, chuyển giao công nghệ về vaccine, đã được thiết lập trong năm 2020, cho đến nay đã có 20,5 triệu USD từ nguồn đóng góp của các nước thành viên và các nước đối tác của ASEAN.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, ASEAN đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD để mua vaccine cho các nước thành viên thông qua hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Hiện nay, thỏa thuận giữa ASEAN và UNICEF đang được hoàn tất.
Thúc đẩy phục hồi sau đại dịch
Bên cạnh chủ đề về vaccine, các hội nghị cũng đề cập khía cạnh phục hồi sau đại dịch.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, ASEAN quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì các giao dịch, giao thương của các nước không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cao nhất để doanh nghiệp có thể duy trì thương mại và đầu tư.
Các Bộ trưởng ASEAN phụ trách về hợp tác số cũng đã thông qua Kế hoạch chuyển đổi số của ASEAN cho đến năm 2025, một nỗ lực đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong ASEAN, góp phần đẩy nhanh phục hồi sau đại dịch.
Đồng thời, ASEAN quyết tâm tận dụng và đẩy mạnh các hiệp định đã ký kết về tự do hóa thương mại, xác định cùng cố gắng để phê chuẩn sớm nhất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Chia sẻ về định hướng hợp tác trong thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc hỗ trợ các nền kinh tế khu vực phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch; duy trì và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng tự cường, bền vững và bổ trợ lẫn nhau; tăng cường hợp tác tài chính, tận dụng khoa học công nghệ, huy động đầu tư tư nhân cho hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và phát triển nguồn nhân lực.
Nhiều cam kết hợp tác
Một trong những kết quả tích cực của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các Hội nghị liên quan là liên quan đến ứng phó với Covid-19, ASEAN đã nhất trí tiếp tục các kế hoạch hợp tác, nhận được nhiều cam kết hỗ trợ của các đối tác giúp khối vượt qua dịch bệnh. Nhiều đối tác cam kết hỗ trợ thêm vaccine và các khoản ủng hộ tài chính khác nhằm giúp ASEAN thực hiện các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
ASEAN có 11 đối tác đối thoại, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Nga, Australia, New Zealand, Anh và Liên minh châu Âu (EU). |
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ: “Điểm nổi bật là các nước đối tác đến đây đều có các cam kết rất mạnh mẽ, rất cụ thể về việc hỗ trợ ASEAN chống Covid-19 và phục hồi bằng những việc làm rất cụ thể. Nước thì cung cấp vaccine và cung cấp kỹ thuật, chẳng hạn như thiết bị kho lạnh để chứa vaccine. Nước thì giúp đào tạo cán bộ y tế. Nước thì hỗ trợ tiền để ASEAN có thể bổ sung cho Quỹ Covid-19...”.
Qua các cuộc họp, các nước đối tác đã khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tích cực các sáng kiến của ASEAN về phòng, chống Covid-19, đồng thời đưa ra các cam kết, sáng kiến cụ thể hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực, y tế dự phòng, nghiên cứu, phát triển và tiếp cận vaccine Covid-19, an toàn, hiệu quả và đồng đều.
| Ngày Gia đình ASEAN 2021: Thúc đẩy vai trò đặc biệt của phụ nữ ASEAN Trả lời phỏng vấn báo Thế giới & Việt Nam nhân Ngày Gia đình ASEAN, bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phu nhân Bộ trưởng Ngoại ... |
| Lễ chào cờ đặc biệt kỷ niệm 54 năm ngày thành lập ASEAN Sáng ngày 8/8, nhân dịp kỷ niệm 54 năm ngày thành lập ASEAN và 26 năm Việt Nam tham gia ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt ... |