Nhỏ Bình thường Lớn

ASEAN không “dễ thở” trước TPP và RCEP

Năm 2015 là năm quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhận được sự ủng hộ từ phía Thượng viện Mỹ và bước vào vòng đàm phán cuối cùng tại Hawaii. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng hoàn tất ký kết vào cuối năm nay với hai vòng đàm phán vào tháng Tám và tháng Mười.
Ảnh minh họa.

Theo một số chuyên gia, với TPP có Mỹ và RCEP có Trung Quốc, hai nước lớn sẽ nỗ lực hết mình để biến TPP và RCEP thành sân chơi chiến lược, đảm bảo lợi ích quốc gia và ngăn cản một trong hai nước đi vào “lãnh thổ” của riêng mình. Điều này khiến ASEAN và các nước thành viên rơi vào thế bí khi vừa phải cân bằng lợi ích hai nước lớn lại vừa phải đảm bảo lợi ích kinh tế. Hơn nữa, một số nghiên cứu như báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy TPP và RCEP có thể tác động tiêu cực tới sự đoàn kết và cản trở quá trình hợp tác cũng như hội nhập kinh tế trong Hiệp hội.

Cụ thể, hiện trong ASEAN chỉ có bốn nước thành viên gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam tham gia đàm phán TPP. Các thành viên còn lại tỏ ra lưỡng lự trước những yêu cầu khắt khe của TPP ở các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ (IPR), doanh nghiệp nhà nước và năng lực cạnh tranh. Các yêu cầu như đầu vào khắt khe, quá trình đàm phán kéo dài cũng làm TPP trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà lãnh đạo Thái Lan, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar. Do khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên tương đối lớn, ASEAN không thể hài hòa những tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ trong TPP.

Với RCEP, ASEAN dường như đặt nhiều kỳ vọng hơn. RCEP được hiểu như sự mở rộng của năm FTA giữa ASEAN với sáu đối tác bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Dựa trên năm FTA do ASEAN làm trung tâm này, ASEAN đang nỗ lực để nắm giữ vai trò trung tâm trong RCEP. Tuy nhiên, ASEAN cũng gặp phải nhiều khó khăn khi vẫn chưa thể điều phối được lợi ích giữa các nước để đạt đồng thuận trong cắt giảm thuế quan. Mục tiêu cắt giảm thuế quan của RCEP hiện nay là 90% nhưng Ấn Độ chỉ cam kết ở mức 78,8%. Trong các vòng đàm phán tiếp theo, tiêu chuẩn cắt giảm thuế có thể sẽ hạ thấp hơn nữa nếu các nước muốn có được đồng thuận.

Như vậy, một số chuyên gia cho rằng TPP và RCEP vốn không dễ dàng với ASEAN và các nước thành viên. Cho nên, để TPP và RCEP tồn tại song song, mở đường cho khuôn khổ hợp tác thương mại quy mô lớn trong khu vực, ASEAN cần phải là một điều phối viên tích cực giữa hai FTA và trong mỗi FTA quan trọng này.

Hằng Phạm (tổng hợp)