Tinh thần xuyên suốt trong quan hệ ASEAN-Nga được thể hiện trong Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga. (Ảnh: TA) |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị và đưa ra những đánh giá về quan hệ ASEAN-Nga.
Tinh thần xuyên suốt trong quan hệ ASEAN-Nga một lần nữa được Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội nghị. Theo đó, Nga và ASEAN là đối tác chiến lược tin cậy, đối thoại, hợp tác cùng nhau hướng tới tương lai, phối hợp ứng phó hiệu quả các khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đầy bất ổn và phức tạp.
Tạo sức bật mới
Sức bật mới trong quan hệ là mong muốn của cả ASEAN và Nga. Đó là vừa tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, vượt qua các thách thức do dịch bệnh gây ra và đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi, vừa khẳng định vai trò quan trọng của quan hệ ASEAN-Nga trên bình diện hợp tác khu vực và quốc tế. Sự coi trọng mà hai bên luôn dành cho nhau cùng với nền tảng sẵn có trong 3 thập kỷ qua chắc chắn sẽ đưa những mong muốn đó sớm trở thành hiện thực.
Sự coi trọng có thể thấy rõ ở Nga trong quan hệ với ASEAN, thể hiện qua những nỗ lực ủng hộ bền bỉ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Nhiều năm qua, Nga thúc đẩy phối hợp với ASEAN trong Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và các cơ chế đa phương khác. Nga cũng luôn cam kết tiếp tục tham gia đóng góp tích cực trong các cơ chế do ASEAN chủ trì.
Lần này, thông qua Hội nghị, Nga còn bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tăng cường phối hợp và hợp tác thiết thực giữa các cơ chế của ASEAN với các khuôn khổ như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Nhân dịp này, Nga đề xuất tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 4 vào tháng 10/2021. Hai bên cũng nhất trí sớm triển khai tổ chức Đối thoại ASEAN-Nga về các vấn đề an ninh công nghệ thông tin và liên lạc cũng như đẩy mạnh hợp tác ASEAN-Nga về quản lý thiên tai.
Khi bức tranh chung của thế giới có nhiều điểm xám, bất ổn, cùng với những thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, cả ASEAN và Nga đều cùng chung một quan điểm.
Cụ thể, hai bên đánh giá cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực, khẳng định cần tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao các cơ chế do ASEAN chủ trì và dẫn dắt, đề cao chủ nghĩa đa phương, củng cố cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Quan điểm này cũng được Việt Nam nhấn mạnh thông qua những chia sẻ của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trong khuôn khổ Hội nghị với mong muốn hai bên không ngừng xây dựng lòng tin, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, đề cao luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Nga ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong tạo dựng văn hóa đối thoại trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, định hình và chia sẻ các chuẩn mực điều chỉnh quan hệ trách nhiệm và phù hợp luật pháp quốc tế giữa các quốc gia.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định cam kết của ASEAN trong triển khai hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trên nền tảng vững chắc
Có thể điểm lại những bước đi nhằm nâng tầm chiến lược quan hệ ASEAN-Nga để một lần nữa thấy rõ nỗ lực, thiện chí và cam kết của hai bên luôn mạnh mẽ.
Năm 1996, Nga trở thành Đối tác đối thoại toàn diện của ASEAN. Thông qua cuộc họp đầu tiên của Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Nga (ARJCC) và Quỹ hợp tác ASEAN - Nga, hai bên đã thống nhất trở thành đối tác đối thoại trên tinh thần đoàn kết ASEAN - Nga, hướng tới quan hệ hợp tác song phương, hiểu biết, hỗ trợ nhau thông qua các ủy ban, nhóm và hội đồng chuyên trách để thực hiện các mục tiêu chung đã cam kết.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: "Việt Nam luôn ủng hộ hết mình đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nga phát triển lên tầm cao mới, hoan nghênh Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 và mở rộng sản xuất tại khu vực, đồng thời tranh thủ tiềm năng trao đổi du lịch to lớn của hai bên nhằm thúc đẩy phục hồi sau dịch bệnh". |
Vào những năm đầu thế kỷ XXI, nhằm thúc đẩy chính sách “Hướng Đông”, Nga đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và hợp tác với ASEAN thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với Đông Nam Á (TAC) từ năm 2004 và Chương trình hành động toàn diện (CPA) giai đoạn 2005 - 2015.
Tháng 5/2016, Hội nghị thượng đỉnh Sochi đã thông qua Tuyên bố Sochi, đưa quan hệ ASEAN - Nga trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Tổng thống V. Putin khẳng định, ASEAN là mục tiêu của chiến lược “Đại Á - Âu” và Nga muốn nâng cao vai trò và thể hiện trách nhiệm của mình đối với Đông Nam Á. Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Nga giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình hành động toàn diện (CPA) đã ra đời và được thông qua, tập trung thúc đẩy hợp tác giữa hai bên thực chất và hiệu quả hơn trong các lĩnh vực an ninh; thương mại và đầu tư; khoa học - công nghệ,…
Sau khi ban hành CPA giai đoạn 2016-2020, Nga luôn chủ động tìm kiếm các biện pháp để thực thi các cam kết và thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả hơn với ASEAN. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng đã từng nhấn mạnh, ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga và khẳng định vai trò trụ cột của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi coi ASEAN là đối tác đáng tin cậy, có cùng chí hướng trong việc hình thành một kiến trúc an ninh mở, cân bằng, bình đẳng và không thể chia tách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhận định.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov tin rằng, việc hình thành đối tác “Đại Á - Âu” với sự tham gia của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và ASEAN sẽ tạo thành xung lực để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nga trên tất cả các lĩnh vực.
Trong giai đoạn gần đây, hợp tác của Nga mang xu hướng thực chất và hiệu quả hơn, trong đó có hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại. Dựa trên Lộ trình hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN - Nga, cùng với Chương trình hợp tác đầu tư và thương mại ASEAN - Nga, sau năm 2017, các dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ, thực phẩm, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, du lịch và những dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được xúc tiến mạnh mẽ hơn.
Qua đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nga gia tăng nhanh; năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 19,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nga vào ASEAN gia tăng nhanh chóng: 63,4 triệu USD (năm 2016); 47,8 triệu USD (năm 2017); 56,1 triệu USD (năm 2018) và 83,3 triệu USD (năm 2019).