📞

ASEAN: Phát triển xã hội dân sự để hiện thực hóa mục tiêu Cộng đồng vì người dân

14:14 | 20/10/2015
ASEAN phải nỗ lực để Hiệp hội không phải là một “câu lạc bộ của giới thượng lưu” mà là một ngôi nhà chung của mọi tầng lớp công dân ASEAN - bà Khoo Ying Hooi, nhà nghiên cứu về dân chủ, nhân quyền của Malaysia đã nhận định như vậy trong một bài viết trên trang Malaysian Insider. Báo TG&VN xin lược dịch bài viết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Jakarta Post)

Tôi đã từng viết rất nhiều về ASEAN với mong muốn mọi người có thể hiểu biết hơn về Hiệp hội. Hiện nay, ASEAN được kỳ vọng là một tổ chức khu vực gắn liền với cuộc sống của mỗi người dân. Tuy nhiên, có một sự thật là khi Cộng đồng ASEAN đang tới gần, công dân ASEAN vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng đó.

Hai tuần trước, tôi có cơ hội được trình bày một bài báo với chủ đề ASEAN - xã hội dân sự tại diễn đàn Thúc đẩy hội nhập khu vực ASEAN và Cộng đồng ASEAN thông qua các kênh đối thoại, tổ chức tại Viện Quan hệ quốc tế và Ngoại giao Malaysia (IDFR).

Mục đích của diễn đàn là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN vì lợi ích của người dân cũng như toàn khu vực thông qua các kênh đối thoại. Cựu Thủ tướng Malaysia Tun Abdullah Haji Abdullah Badawi đã dành thời gian tới tham dự diễn đàn và có bài phát biểu khai mạc tại đây. Tôi rất ấn tượng là khi đọc được một nửa bài diễn văn, ông ngừng lại và nói rằng: “Có phải ASEAN còn quá nhiều vấn đề cần khắc phục?”. Khi ấy, tất cả mọi người có mặt tại buổi tọa đàm phá lên cười.

Cựu Thủ tướng đưa tay về phía trước và nói rằng, ASEAN là một khu vực có hệ thống chính trị phức tạp. Đến nay, khi Cộng đồng đang tới rất gần, lãnh đạo và người dân Hiệp hội vẫn tranh luận về việc làm thế nào để Cộng đồng có được sự gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội cũng như hướng tới người dân. Ngay tuần trước, có thông tin cho biết, Lào đã từ chối chủ trì một cuộc họp các tổ chức dân sự xã hội (CSOs), sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN vào năm tới.

Theo Cựu Thủ tướng, đó chính là một trong những biểu hiện của những thách thức mà ASEAN phải đối mặt. Quan niệm chủ nghĩa khu vực của ASEAN vẫn còn mang đậm tính truyền thống và cho rằng chủ nghĩa khu vực phải lấy quốc gia làm trung tâm. Cách tiếp cận dân chủ của ASEAN theo hướng từ trên xuống, trái ngược với cách tiếp cận của EU theo hướng từ dưới lên với việc đề cao vai trò của người dân. Điều này một phần bắt nguồn từ mối quan tâm chung của một số nhà lãnh đạo ASEAN, muốn duy trì chế độ trong nước. Khi một số nước thành viên “ngại” hội nhập thì quá trình hội nhập khu vực sẽ tốn nhiều thời gian và các nước cũng dành ít ưu tiên cho các hoạt động xã hội dân sự, nhằm hướng tới đảm bảo cuộc sống cho người dân sau hội nhập.

Năm 2015, ASEAN kỷ niệm 48 năm ngày thành lập nhưng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và chủ quyền của các nước thành viên đang bị thách thức bởi sự nổi lên của quá trình toàn cầu hóa. Các xã hội dân sự có vai trò quan trọng trong việc nói lên tiếng nói của người dân. Vì vậy, theo tôi, phát triển xã hội dân sự là yếu tố then chốt để phát triển Cộng đồng, ASEAN phải nỗ lực để Hiệp hội không phải là một “câu lạc bộ của giới thượng lưu” mà là một ngôi nhà chung của mọi tầng lớp công dân ASEAN.

Hằng Phạm (lược dịch)