Nhỏ Bình thường Lớn

ASEAN thiếu cương quyết trong vấn đề người Rohingya

Hội nghị di dân Đông Nam Á tại Bangkok, Thái Lan vừa qua không đạt hiệu quả làm dấy lên lo ngại về một ASEAN thiếu tính đoàn kết, thiếu “tình người”, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sắp ra đời với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Hơn 2.000 người Rohingya vẫn còn lênh đênh trên biển.

Dù được kỳ vọng rất nhiều trước đó nhưng Hội nghị đã không mang đến thỏa thuận có tính ràng buộc nào hay một kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết triệt để dòng người Rohingya di cư đang mắc kẹt trên các con tàu ở Vịnh Bengal và biển Andaman.

“Dự án của doanh nghiệp”

Cuối năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời, vấn đề người Rohingya thực sự là thách thức mà ASEAN phải đối mặt và quan tâm bởi đó là một bộ phận những người dễ bị tổn thương nhất trong ASEAN. Theo ông Charles Santiago, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ ASEAN về nhân quyền, ASEAN phải tác động trực tiếp vào cuộc đàn áp người Rohingya tại Myanmar.

Nghị sĩ người Malaysia này cho rằng nếu các nhà lãnh đạo ASEAN không quan tâm tới vấn đề người Rohingya thì ASEAN có thể chỉ là một “dự án của các doanh nghiệp” chứ không phải là tổ chức khu vực hướng tới những cộng đồng dễ tổn thương.

Thực tế, nhiều người đề cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà quên đi rằng Cộng đồng ASEAN còn có hai trụ cột khác là An ninh – Chính trị và Văn hóa – Xã hội và chúng cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với sự ra đời của cộng đồng chung.

Từ trước đến nay, Myanmar không coi người Rohingya là công dân nước mình. Trong Tuyên bố chung của ASEAN năm 2009, người Rohingya được gọi là “người Ấn Độ Dương” và chỉ khi vấn đề người tị nạn gây xôn xao cộng đồng quốc tế thì Malaysia, với vai trò Chủ tịch ASEAN mới bắt đầu họp bàn với Indonesia và Thái Lan nhằm giải quyết khủng hoảng này.

Nhưng từ “Rohingya” không xuất hiện trên giấy mời cũng như trong tuyên bố Hội nghị tại Bangkok. Dù vậy, các nhà quan sát vẫn mong muốn ASEAN có thể đi xa hơn trong hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho người tị nạn Rohingya.

Cần cơ quan tị nạn đặc biệt

“Indonesia và Malaysia đang cung cấp một phao cứu sinh tạm thời cho những người di cư. Chúng tôi hoan nghênh việc làm này, song chưa đủ! Các quốc gia ASEAN cần phải hoàn thành nghĩa vụ về tìm kiếm và cứu hộ cho tất cả những người đang gặp phải hoàn cảnh nguy hiểm trên biển, cung cấp sự bảo vệ lâu dài cho những người di cư”. Nhận định trên của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Al- Hussein cho thấy thay vì những lời tuyên bố hay giải pháp mang tầm ngắn hạn, ASEAN cần phải cương quyết tìm ra giải pháp dài hạn cho khủng hoảng người Rohingya.

Hiện nay nhiều tổ chức nhân quyền hối thúc các thành viên ASEAN ký kết Công ước năm 1951 về Quy chế dành cho người tị nạn, ngăn cản các quốc gia trả người tị nạn về quốc gia nơi họ phải đối mặt với cuộc đàn áp. Hiện chỉ có Philippines và Campuchia tham gia Công ước này.

Theo ông Makarim Wibisono, giáo sư Luật tại Đại học Airlangga, tại Surabaya, East Java, Indonesia, ASEAN cần thiết lập một cơ quan đặc biệt về người tị nạn để dự báo và khắc phục khủng hoảng như vấn đề người Rohingya.

Song song với vấn đề di cư, ASEAN còn phải đối mặt với nạn buôn người. Những kẻ buôn người coi người Rohingya như thứ hàng hóa. Bởi người Rohingya muốn mua “cam kết hành trình an toàn” thì phải trả từ 1.000 đến 2.000 USD.

Ông Santiago cho rằng một số nước trong ASEAN đang lợi dụng việc sử dụng lao động nhập cư trái phép bởi chi phí thuê thấp và có thể làm nhiều giờ. “Nhưng chúng ta đều có lỗi, cả xã hội cần phải suy nghĩ về điều này”, ông nói. Có lẽ nào số phận mỗi con người chỉ đáng giá 2.000 USD trong một cộng đồng hướng về người dân?

Theo ông, ASEAN phải đưa ra một tuyên bố ràng buộc giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn nạn buôn người tiếp diễn cũng như thiết lập một cơ chế giám sát hải quân và cảnh sát khu vực. Bên cạnh đó, từng nước cũng cần quán triệt tình trạng tham nhũng bởi có nhiều quan chức phụ trách nhập cư tại Thái Lan, Malaysia, Myanmar đã thông đồng với các nhóm buôn người để chuộc lợi.

Hằng Phạm (tổng hợp)