📞

ASEAN tìm cách củng cố niềm tin trong thương mại điện tử

17:18 | 28/08/2019
TGVN. Xây dựng niềm tin nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là nội dung quan trọng được đề cập đến tại Kỳ họp của Ủy ban điều phối ASEAN về thương mại điện tử (TMĐT) lần thứ 15 diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Đại diện các nước tham gia kì họp thứ 15 của Ủy ban điều phối ASEAN diễn ra tại Hà Nội. (Nguồn: BTC)

Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng tại khu vực ASEAN. Theo thống kê của Statista, quy mô thị trường TMĐT của ASEAN năm 2015 chỉ khoảng 6 tỷ USD. Nhưng đến năm 2018, quy mô thị trường tăng lên 13 tỷ USD và đến năm 2025 quy mô thị trường TMĐT của các nước ASEAN dự kiến đạt 88 tỷ USD. Điều này một mặt mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nước ASEAN, đặc biệt là trong việc nâng cao niềm tin trong TMĐT nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Cơ hội cho TMĐT xuyên biên giới

Nhận thức rõ tầm quan trọng của niềm tin trong TMĐT. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua chương trình hành động ASEAN về TMĐT (AWPEC) 2017-2025 nhằm mục đích thuận lợi hóa TMĐT trong ASEAN. Chương trình này bao gồm những sáng kiến về nhiều khía cạnh trong các lĩnh vực của TMĐT, đặc biệt là về các sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến niềm tin đối với giao dịch trực tuyến.

Một trong những ưu tiên của Ủy ban điều phối là xây dựng Bộ quy tắc hướng dẫn về trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển các nền tảng TMĐT, mở ra các cơ hội cho TMĐT xuyên biên giới và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong khu vực.

Bốn nguyên tắc chính đang được thảo luận hiện nay gồm: bảo vệ thông tin cá nhân, giao kết hợp đồng trực tuyến, quảng cáo trung thực và giải quyết tranh chấp. Dự kiến, Bộ Quy tắc sẽ được thông qua vào cuối năm 2019.

Đẩy mạnh hội nhập số

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Trong đó, những điểm cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Có thể nói, Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỹ thuật số đang trở thành lực lượng mạnh mẽ thay đổi nền kinh tế toàn cầu.

ASEAN là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất về sử dụng Internet và có số lượng người dùng internet lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây đồng thời cũng là khu vực tham gia tích cực vào phát triển kỹ thuật số. Chú trọng thúc đẩy đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng là động lực chính cho sự tăng trưởng này.

Theo báo cáo đầu tư ASEAN năm 2018 của UNCTAD, trong năm 2017, nền kinh tế số được ước tính trị giá 50 tỷ USD, tương đương 2% GDP của khu vực. Tốc độ tăng trưởng hiện tại là 27%. Tính đến năm 2025, dự kiến kinh tế số trong ASEAN sẽ trị giá 200 tỷ USD, tương đương 6% GDP của khu vực . Tuy nhiên, so với tỉ lệ 16% ở Trung Quốc và 35% ở Mỹ, có thể nói kinh tế số tại ASEAN vẫn là một con số khiêm tốn. Mặc dù vậy, ASEAN có cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số thông qua tích hợp kỹ thuật số.

Một giải pháp cạnh tranh hiệu quả hơn

Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nó cho phép các nền kinh tế ASEAN cạnh tranh hiệu quả hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời giảm sự phân chia số, tạo ra một khu vực ASEAN phát triển toàn diện hơn, cho phép các quốc gia thành viên tăng tốc nền kinh tế trong nước. Theo phân tích của công ty tư vấn Bain, hội nhập kỹ thuật số có thể mang lại sự gia tăng 1.000 tỷ USD GDP trong ASEAN vào năm 2025.

Năm 2018, ASEAN đã thông qua Khung Hội nhập số với một số lĩnh vực ưu tiên như tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới, bảo vệ dữ liệu đồng thời hỗ trợ thương mại số và cải tiến số, tạo thuận lợi thanh toán số xuyên biên giới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực số, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong năm 2019, ASEAN tiếp tục thảo luận và xây dựng Kế hoạch hành động Khung Hội nhập số với mục tiêu tăng cường hành động của ASEAN về kinh tế số, hội nhập số trong thời gian tới đây.