Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Hội nghị khẳng định ASEAN cần tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng và giảm sự chênh lệch kinh tế giữa các nước thành viên.
Các đại biểu đã nghe trình bày, thảo luận, xem xét và đánh giá báo cáo về các biện pháp tiến hành và kết quả IAI do các chuyên gia Viện Mekong thực hiện, với sự hỗ trợ của Australia thông qua Chương trình Hợp tác phát triển ASEAN-Australia (AADCP II); chia sẻ quan điểm về những thách thức phát triển của các quốc gia thành viên, nhất là các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).
Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi về các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các nhóm làm việc của ASEAN, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện hội nhập và tăng cường giám sát các sáng kiến có liên quan cũng như các chương trình trong khu vực, nhất là với các nước đối tác đối thoại, các tổ chức quốc tế, xây dựng năng lực của các nước CLMV và chương trình thực hiện IAI của Ban thư ký ASEAN; dự định của các nước đối tác đối thoại, các tổ chức khu vực và quốc tế hỗ trợ ASEAN trong hai năm tới và sau năm 2015 trong các lĩnh vực giám sát và đánh giá, quản lý chương trình và huy động nguồn lực để tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trong hơn 20 năm qua, hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Dù các nước CLMV gia nhập ASEAN sau đã đạt tăng trưởng mạnh mẽ, song khoảng cách phát triển hiện tại trong mỗi nước thành viên và nhất là giữa nhóm CMLV với sáu nước thành viên ban đầu (bao gồm Singapore, Brunei, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines) có thể cản trở các kế hoạch cho việc tạo ra một Cộng đồng Kinh tế ASEAN và những nỗ lực hợp tác khu vực trong các Cộng đồng Chính trị - An ninh và Văn hóa - Xã hội ASEAN.
Với nhận thức rằng thu hẹp khoảng cách phát triển vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là mục tiêu lâu dài, phục vụ cho sự phát triển đồng đều, năng động và bền vững của khu vực, ASEAN đã thật sự bắt tay vào tiến hành các chương trình hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Chương trình IAI được lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần thứ tư ở Singapore hồi tháng 11/2000. Ý tưởng này đã có động lực thực thi mạnh mẽ với Tuyên bố Hà Nội năm 2001 về Thu hẹp khoảng cách phát triển vì sự Hội nhập ASEAN gắn bó hơn và Kế hoạch cho IAI giai đoạn một đã được nhất trí thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ tám tại Campuchia hồi tháng 11/2002.
Trong khuôn khổ nỗ lực thúc đẩy mục tiêu hội nhập của khối, các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 22 năm 2013 đã thông qua kế hoạch đánh giá giữa kỳ IAI, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2014 để có thể báo cáo với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 ở Yangon (Myanmar) vào tháng 5/2014.
IAI tập trung hỗ trợ các nước CLMV trên hai lĩnh vực chính là thúc đẩy việc triển khai các chương trình, dự án tiểu vùng và khuyến khích các nước đối tác của ASEAN tham gia, tài trợ cho các dự án về đầu tư, thương mại. Các đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Mỹ cũng tích cực hỗ trợ các dự án IAI. Các dự án thường tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở và hệ thống giao thông vận tải, cơ sở hội nhập kinh tế, công nghệ thông tin và viễn thông, nguồn nhân lực, giúp xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường và thúc đẩy du lịch nội khối. |