Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn TG&VN bên lễ Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững từ ngày 30 - 31/3/2017.
Theo Thứ trưởng, đâu là ý nghĩa của Hội nghị đối với hợp tác Á – Âu hiện nay?
Các thành viên ASEM đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, coi đây là sự kiện đúng thời điểm và mang ý nghĩa thiết thực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, các thành viên ASEM đang đứng trước đòi hỏi phải đổi mới giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng và tận dụng cơ hội của thời đại công nghệ số. Giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực cũng là vấn đề được các quốc gia và cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm vì đây là nhân tố then chốt thúc đẩy sáng tạo, xóa đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. |
Trong bối cảnh đó, có thể thấy Hội nghị có bốn ý nghĩa quan trọng: Thứ nhất, đây là Hội nghị đầu tiên về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của ASEM trong thập kỷ hợp tác thứ ba của Diễn đàn, nhằm hiện thực hóa quyết định của các Lãnh đạo thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11, trong đó giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên.
Thứ hai, Hội nghị là một trong những đóng góp của ASEM chung tay cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, nhất là mục tiêu thứ tư và mục tiêu thứ tám về bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng, nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất, công việc tốt cho tất cả mọi người.
Thứ ba, đây cũng là dịp để các thành viên ASEM trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, thú́c đẩy đố́i thoạ̣i và̀ hợ̣p tá́c Á́ – Âu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng giải quyế́t hiệu quả cá́c thá́ch thức liên quan đến giáo dục và đào tạo kỹ năng thế kỷ 21, đồng thời hỗ̃ trợ̣ thiế́t thực cá́c thà̀nh viên trong nỗ lự̣c phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Thứ tư, các kết quả của Hội nghị này sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 (Myanmar, 11/2017), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 (Hàn Quốc, 11/2017), và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 (Bỉ, 2018).
Các thành viên ASEM đang đứng trước đòi hỏi phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Thứ trưởng có thể chia sẻ những đóng góp và mong muốn của Việt Nam thông qua việc tổ chức Hội nghị này?
Đây là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác Á – Âu do Việt Nam đăng cai trong năm 2017. Việc tổ chức thành công Hội nghị này mang nhiều ý nghĩa đối với nước ta.
Thứ nhất, thông qua Hội nghị, Việt Nam nỗ lực cùng các thành viên ASEM thúc đẩy hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực để vừa thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực vừa hỗ trợ cho các thành viên đang phát triển góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của ASEM về “xây dựng một tương lai bền vững, bao trùm cho người dân và bảo đảm cuộc sống hòa bình, thịnh vượng chung cho các thế hệ hiện tại và tương lai”. Những kết quả thiết thực, đề xuất cụ thể tại Hội nghị về thúc đẩy kết nối, hợp tác Á – Âu về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, thể hiện đóng góp tích cực của Việt Nam trong nâng cao tính thiết thực của hợp tác Á – Âu, nâng tầm đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu.
Thứ hai, Hội nghị là dịp để chúng ta học hỏi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với 52 thành viên ASEM về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, tranh thủ hợp tác quốc tế, góp triển khai khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, phục vụ tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển nhanh và bền vững.
Thứ ba, tham dự Hội nghị và Triển lãm giáo dục Á – Âu, đại biểu của các địa phương và các trường đại học Việt Nam có cơ hội trực tiếp giao lưu, mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối với các đối tác Á – Âu vốn có nhiều tiềm năng và kinh nghiệm, qua đó thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể, kết nối các trường đại học, trao đổi giáo dục quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo kỹ năng thế kỷ 21, xây dựng nguồn nhân lực. Đó là những nội dung thiết thực, phù hợp với quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp và người dân hiện nay.
Thứ tư, được tổ chức vào đúng tháng thành lập Diễn đàn ASEM (3/1996-3/2017), Hội nghị là hoạt động của Việt Nam nhằm kỷ niệm ngày thành lập ASEM, góp phần nâng cao nhận thức của các người dân về Diễn đàn quan trọng này, cũng như tiếp tục thúc đẩy hợp tác liên Bộ ngành, địa phương triển khai đối ngoại đa phương nói chung và hợp tác ASEM nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.
Những kết quả quan trọng của Hội nghị góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEM cũng như sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của chúng ta trong các nỗ lực chung của khu vực và trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), do Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tại Huế. Đây là sáng kiến do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ tháng 7/2016, với sự đồng bảo trợ của nhiều thành viên gồm Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. |