📞

ASOSAI 14: Chung tay giải quyết thách thức môi trường toàn cầu

09:34 | 21/09/2018
Phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội ASOSAI lần thứ 14 hôm 19/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “ASOSAI đóng góp vào thành tựu phát triển của mỗi nước cũng như sự tiến bộ của khu vực”.

Đại hội các Cơ quan Kiểm toán Tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 diễn ra từ 19-22/9, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Đây là sự kiện quốc tế cấp Bộ trưởng có quy mô lớn nhất của ASOSAI lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Đại hội quy tụ khoảng 350 đại biểu đến từ 46 quốc gia với cấp Trưởng đoàn tương đương từ Bộ trưởng trở lên. Sau khi nhận bàn giao từ Malaysia trong khuôn khổ Đại hội lần này, KTNN Việt Nam trở thành Chủ tịch chính thức của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.

Đóng góp quan trọng vào tiến bộ khu vực

Trải qua 40 năm phát triển, từ 11 thành viên ban đầu, đến nay với 46 thành viên, ASOSAI luôn là tổ chức khu vực đi đầu trong lĩnh vực kiểm toán công, quản trị công; với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp, Hợp tác, Đồng đều, Sáng tạo”.

Thực tế cho thấy, ASOSAI đã, đang và sẽ không ngừng phấn đấu trở thành tổ chức khu vực kiểu mẫu của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (INTOSAI), với mục tiêu gia tăng giá trị và lợi ích cho các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên ASOSAI; hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt; thực hiện các sáng kiến cũng như giải pháp nhằm tăng cường và phát triển hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực công, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia thành viên, khu vực châu Á và thế giới nói chung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội ASOSAI lần thứ 14 ngày 19/9.

Tại Lễ khai mạc Đại hội ASOSAI 14 hôm 19/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “ASOSAI đóng góp thành tựu vào quá trình phát triển của mỗi nước cũng như sự tiến bộ của khu vực”.

Đại hội ASOSAI 14 được đánh giá là một sự kiện ngoại giao chuyên môn quan trọng của khu vực châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện có quy mô lớn trong lĩnh vực kiểm toán công. Thời gian qua, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 năm 2015, Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017 và gần đây nhất là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (11-13/9/2018). Những sự kiện này góp phần thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đồng thời củng cố cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực và trên thế giới.

Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, KTNN Việt Nam là một thành viên tích cực trong ngôi nhà ASOSAI, đặc biệt trong thời gian tới, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam ý thức được trọng trách của mình trong việc cùng các thành viên ASOSAI phát huy những thành quả đã đạt được, đẩy mạnh hợp tác giữa các thành viên ASOSAI và INTOSAI nhằm tăng cường sự đoàn kết, năng lực, phát triển hơn nữa cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao.

Năm 2018 đánh dấu 24 năm trưởng thành và phát triển của KTNN Việt Nam. Có thể nói, hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp KTNN Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và thông lệ tốt về lĩnh vực kiểm toán công của thế giới nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời tạo cơ hội để KTNN Việt Nam tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả cho các diễn đàn khu vực và trên toàn thế giới của các cơ quan kiểm toán tối cao.

KTNN Việt Nam là cơ quan độc lập được hiến định trong Hiến pháp phù hợp với nội dung của Tuyên bố Lima và nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau hơn 2 thập kỷ trưởng thành và phát triển, KTNN Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trở thành công cụ hữu hiệu giúp Quốc hội giám sát hiệu quả nền tài chính quốc gia. Quốc hội ghi nhận sự chủ động của KTNN trong việc áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường năng lực đội ngũ kiểm toán viên và hiệu quả hoạt động của mình trong một số lĩnh vực kiểm toán mới như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán nợ công và đặc biệt là kiểm toán môi trường.

Đại hội các Cơ quan Kiểm toán Tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 diễn ra từ 19-22/9 tại Hà Nội.
Thông qua Đại hội ASOSAI 14, ông Harib Saeed Alameemi – Tổng Kiểm toán UAE, Chủ tịch INTOSAI – kỳ vọng mối quan hệ hợp tác giữa ASOSAI và INTOSAI sẽ ngày càng được tăng cường, gắn kết hơn nữa.

Cơ hội thể hiện vai trò và trách nhiệm

Mỗi kỳ Đại hội ASOSAI đều đưa ra một thông điệp thể hiện cam kết của cộng đồng ASOSAI vì mục tiêu chiến lược. Ngày nay, trong bối cảnh khu vực cũng như thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhưng đồng thời phải bảo vệ môi trường, Đại hội ASOSAI 14 tập trung thảo luận chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, coi đây là nội dung nghị sự quan trọng hàng đầu, thể hiện thông điệp, sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, do đó vấn đề phát triển môi trường cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu. Tác động của yếu tố môi trường đến người dân và sự phát triển bền vững của nền kinh tế là rất mạnh mẽ. Thời gian qua, KTNN đã kiểm toán hàng năm một số chương trình liên quan đến môi trường như: Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2017; Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, KTNN còn thực hiện một số dự án liên quan đến môi trường như: Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1, Nhà máy Thủy điện Đắkring, Nậm Chiến…

Trả lời báo chí về Đại hội ASOSAI 14, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề môi trường và phát triển bền vững đang là thách thức và cũng là cơ hội cho các cơ quan kiểm toán tối cao thể hiện vai trò và trách nhiệm. Vì vậy, chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” được các thành viên ASOSAI ủng hộ tích cực và nhất trí cùng nhau thực hiện trong nhiệm kỳ sắp tới.

Trên tinh thần đó, tại Đại hội ASOSAI 14, các đại biểu tham gia tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa kiểm toán môi trường và phát triển bền vững; cách thức, phương pháp tiến hành kiểm toán môi trường; khó khăn, thách thức cũng như các vấn đề ưu tiên trong quá trình kiểm toán.

Ông Hồ Đức Phớc nhận định kiểm toán môi trường là một lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với KTNN Việt Nam. Trên thực tế, việc triển khai các cuộc kiểm toán này còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc trao đổi sâu hơn về chủ đề kiểm toán môi trường tại Đại hội ASOSAI 14 sẽ giúp KTNN Việt Nam chia sẻ những nhu cầu, thực trạng, thách thức và thu nhận kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp phát triển kiểm toán môi trường. Đây cũng là cơ hội để các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và xã hội hiểu rõ, tăng cường nhận thức, quan tâm và có trách nhiệm thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển ở Việt Nam.

Đặc biệt, Đại hội ASOSAI 14 sẽ đưa ra Tuyên bố Hà Nội, với kỳ vọng đóng góp cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao về các hoạt động phát triển năng lực cho các ASOSAI thành viên trong việc tăng cường giải quyết vấn đề môi trường. Văn kiện chính thức này cũng đưa ra các đề xuất quan trọng nhằm hoàn thiện hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán vì mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên. “KTNN Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASOSAI 14 sẽ làm hết sức mình vì một ASOSAI phát triển, lớn mạnh, bền vững, đóng góp nhiều giá trị cho nền kinh tế châu Á và thế giới”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trong Lễ khai mạc Đại hội lần này.

Đại hội ASOSAI 14 diễn ra đúng dịp kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI. Bà Madinah Binti Mohamad – Tổng KTNN Malaysia, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018, khẳng định đây là dịp để ASOSAI nhìn lại những hoạt động và thành tựu đã đạt được kể từ khi thành lập đến nay, đúc rút những bài học kinh nghiệm và cùng hướng đến các mục tiêu đề ra, đóng góp nhiều hơn cho lĩnh vực kiểm toán công. ASOSAI cần đưa ra các chiến lược, lộ trình để thực hiện kế hoạch hành động, sử dụng cơ chế thông tin mới, tương tác nhiều hơn với các đối tác trong xã hội, đồng thời phải có cam kết lâu dài để thực hiện Kế hoạch chiến lược 2016-2020.