📞

Azerbaijan và Armenia nhất trí ngừng bắn

10:52 | 06/04/2016
Ngày 5/4, hai nước tuyên bố đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt giao tranh tại khu vực Nagorny – Karabakh.
Binh sĩ Armenia tại vùng chiến sự Nagorny - Karabakh. (Nguồn: Reuters)

Chính quyền tự trị Nagorny – Karabakh cũng cho biết đã nhận lệnh chấm dứt nổ súng. Tuy nhiên, do không có quan sát viên quốc tế tại vùng chiến sự nên chưa thể xác nhận đụng độ đã kết thúc hay chưa.

Hai bên dường như vẫn trong tình trạng sẵn sàng nếu giao tranh tái bùng phát. Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov đã đe dọa tấn công Stepanakert, thành phố có 50.000 dân và là thủ phủ của Nagorny – Karabakh, nếu phía Armenia “không ngừng nã pháo vào các cơ sở” của Baku.

Từ ngày 2/4, quân đội Azerbaijan và Armenia liên tục tấn công nhau bằng vũ khí hạng nặng như súng cối, súng phóng lựu và xe tăng. Tính đến 5/4, ít nhất 33 binh sĩ của cả hai phía cùng 3 dân thường thiệt mạng.

Cũng trong ngày hôm qua, Mỹ đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia, đồng thời tuyên bố đang can dự tích cực để hai bên tuân thủ nghiêm túc việc đình chiến. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Đây là lệnh ngừng bắn tuy còn rất mới nhưng chúng tôi tin vào tính khả thi của nó”.

Bên cạnh đó, trong cuộc họp khẩn cấp ngày 5/4 tại Vienna (Áo), nhóm các Đại sứ của Mỹ, Pháp và Nga (nhóm Minsk) cũng kêu gọi Azerbaijan và Armenia tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn mới.

Nagorny – Karabakh nằm ở phía Tây Nam của Azerbaijan và được cộng đồng quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, đa số dân cư Nagorny – Karabakh là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại Nagorny – Karabakh. Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải đi lánh nạn.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết xung đột, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải.

(tổng hợp)